Vừa qua, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện E thông tin, tiếp nhận và điều trị thành công cho người bệnh nữ (19 tuổi, ở Hà Nội) bị thủng ổ loét hành tá tràng lỗ lớn nguy hiểm.
Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có tiền sử bị viêm loét hành tá tràng nhưng chưa theo dõi và điều trị triệt để. Trước nhập viện 1 ngày, bệnh nhân đang tham gia hoạt động tình nguyện ở tỉnh Lạng Sơn, vào khoảng 3 giờ sáng xuất hiện cơn đau bụng đột ngột dữ dội vùng thượng vị và được đưa về cấp cứu tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
ThS.BS Nguyễn Khắc Điệp – khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị đột ngột, dữ dội, liên tục, bụng co cứng, bí trung đại tiện và kèm sốt. Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chiếu chụp cần thiết.
Thông qua hình ảnh siêu âm cho thấy, có khí tự do và dịch tự do trong ổ bụng (thủng tạng rỗng). Nhận thấy tình trạng của người bệnh rất nguy hiểm, cần xử lý thương tổn nhanh chóng giúp đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn cấp cứu, xác định người bệnh bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng đã tiến hành mổ nội soi cấp cứu xử lý thương tổn .
ThS.BS Nguyễn Khắc Điệp giải thích, thủng ổ loét là một trong nhiều biến chứng rất nặng nề của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng, suy đa tạng…
Đối với trường hợp người bệnh trên, nguyên nhân gây bệnh có thể do stress, áp lực học tập, thói quen thức khuya, ăn uống thiếu khoa học đã gây nên các ổ viêm loét tá tràng kéo dài, dẫn đến thủng tạng rỗng, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh.
Trước tiên, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội khi đang đi tình nguyện ở Lạng Sơn, do đó quãng đường vận chuyển người bệnh về Bệnh viện E cấp cứu rất xa mất nhiều thời gian làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và tiến triển nặng hơn.
“Trong quá trình phẫu thuật, cái khó đặt ra cho các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiêu hóa là vị trí của ổ loét nằm ở phần tá tràng xuống D2 (là phần dính liền với tụy, nơi tiếp nhận dịch mật và dịch tụy), hơn nữa người bệnh đã có tiền sử viêm loét tá tràng trước đó dẫn đến xơ hóa có kéo tá tràng. Vì vậy, trong quá trình phẫu thuật, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao để có thể xử lý được thương tổn một cách an toàn cho người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Khắc Điệp thông tin .
Ca mổ cấp cứu cho người bệnh nữ nhanh chóng được tiến hành, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng có nhiều dịch đục; mặt trước tá tràng có lỗ thủng đường kính 0,5cm trên nền ổ loét xơ chai, xung quanh lỗ thủng có ít giả mạc; phần môn vị có ổ loét gây co kéo nhẹ, dạ dày giãn nhẹ, ứ đọng nhiều dịch. Ekip tiến hành làm sạch ổ bụng, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng hành tá tràng và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo khi có các dấu hiệu như đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế thăm khám giúp phát hiện sớm các bệnh lý về viêm dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng nhằm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tránh những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Đồng thời, người trẻ tuổi nói chung và mọi người, cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, học tập và lao động điều độ, xây dựng chế độ ăn nghỉ khoa học, đúng giờ, hạn chế ăn muộn, thức đêm, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị các chứng bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày tá tràng.