Bổ sung lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng số hiệu mạng
Hiện nay, các tổ chức quốc tế, khu vực thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng. Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu đã có đại biểu Quốc hội đề nghị, làm rõ quy định này có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hay không? Và Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không, nếu có thì đề nghị đánh giá kỹ tác động?
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14.11, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, khoản 28 Điều 3 dự thảo Luật quy định, tài nguyên Internet là tập hợp tên miền, địa chỉ Internet, số hiệu mạng và tên, số khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam, bao gồm tài nguyên Internet Việt Nam và tài nguyên Internet quốc tế được các tổ chức quản lý quốc tế phân bổ cho tổ chức, cá nhân sử dụng tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện đã triển khai việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng đối với tên miền ".vn", địa chỉ Internet (quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành theo Phụ lục 01 Luật Phí và Lệ phí). Luật Phí và lệ phí chưa quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, vì từ trước đến nay Tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) không thực hiện việc thu phí số hiệu mạng.
Tuy nhiên, APNIC vừa thông báo kế hoạch điều chỉnh các khoản thu đối với tài nguyên Internet (trao đổi định hướng tại kỳ họp APNIC 56 và công bố trên website), theo đó, sẽ thực hiện thu phí số hiệu mạng từ ngày 1.1.2025. Chính sách của APNIC sẽ miễn phí đối với 2 số hiệu mạng đầu tiên, từ số hiệu mạng thứ 3 trở đi sẽ phải đóng phí đăng ký 500 AUD với mỗi số hiệu mạng và phí duy trì là 100 AUD/năm.
Qua rà soát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tính đến tháng 10.2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 4 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC. Do đó, “việc bổ sung quy định thu phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của tổ chức quốc tế nhằm bảo đảm duy trì hoạt động mạng, dịch vụ Internet”, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ.
“Đây là nghĩa vụ bắt buộc, thực hiện theo thông lệ, quy định quốc tế. Nếu Việt Nam không có quy định về phí, lệ phí cho số hiệu mạng, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều số hiệu mạng sẽ gặp khó khăn trong việc đăng ký, sử dụng số hiệu mạng và ảnh hưởng đến hoạt động mạng, dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới”. Nêu thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bổ sung, chỉnh lý quy định về nội dung này và thể hiện tại điểm d khoản 9 Điều 50, cũng như tại khoản 4, khoản 5 Điều 71. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, Chính phủ có ý kiến chính thức và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này dựa trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ.
Đây là một chính sách mới. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chính sách này, các cơ quan cần báo cáo rõ, việc xác định thu phí việc sử dụng số hiệu mạng của APNIC thực hiện như thế nào? Có thông qua cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hay không?
Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, và khi đó tất cả các tổ chức, cá nhân được phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet ở nước ta là đối tượng có trách nhiệm nộp phí duy trì số hiệu mạng theo quy định tại Điều 50 của Luật này. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ đối tượng nộp phí, miễn giảm phí, mức phí… có phải quy định cụ thể trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) không và ai sẽ quy định? Đánh giá tác động đối với chính sách mới này đã đầy đủ hay chưa? Nếu đồng ý bổ sung chính sách này trong dự thảo Luật, thì các vấn đề cụ thể, như đối tượng nộp phí, nguyên tắc miễn giảm mức phí… sẽ quy định ở đâu?
Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, trong danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí hiện hành chưa quy định về phí, lệ phí cho sử dụng số hiệu mạng. Do vậy, có kiến nghị đưa vào nội dung của Luật Viễn thông, đồng thời bổ sung vào Luật Phí và lệ phí để bao hàm đầy đủ các nội dung này. Khẳng định “Bộ đã đánh giá tác động đầy đủ”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, mức phí, lệ phí sẽ triển khai thu tới đây không lớn, số lượng doanh nghiệp chịu tác động cũng không nhiều.
Về vấn đề ai hướng dẫn hoặc quy định liên quan đến những loại phí và lệ phí này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật Phí và lệ phí đã quy định rõ thẩm quyền thực hiện những vấn đề nêu trên. Ngoài ra, tại khoản 4, khoản 5 Điều 71, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) có quy định liên quan đến Bộ Tài chính, thì "chính là giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Phí và lệ phí, sẽ hướng dẫn các nội dung liên quan đến phí, lệ phí của số hiệu mạng".
Ghi nhận chính sách mới này, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ thêm phí này là Việt Nam thu hộ APNIC, hay thu nộp vào ngân sách? Nếu đây là khoản phí của tổ chức quốc tế và chúng ta chỉ thu hộ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí, vì Luật này đã quy định rõ “phí, lệ phí quy định tại Luật này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước và không chịu thuế” (Khoản 1, Điều 11). Như vậy, “chỉ cần dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định về nội dung này để thực hiện đúng cam kết quốc tế khi chúng ta sử dụng kho số tài nguyên được phân bổ, thì không cần sửa đổi Luật Phí và lệ phí hiện hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Có cần sửa đổi Luật Phí và lệ phí không?
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, theo Điều 3, Luật Phí và lệ phí hiện hành, thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí và lệ phí kèm theo Luật này. Còn lệ phí được định nghĩa là khoản tiền được ấn định và các tổ chức, cá nhân phải nộp khi các cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công phục vụ công việc quản lý Nhà nước được quy định trong danh mục phí và lệ phí ban hành theo luật này. Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, nếu chúng ta không quy định về hai loại phí và lệ phí này trong Luật Phí và lệ phí để điều chỉnh danh mục phí, lệ phí hiện hành thì sẽ không thu được. “Vẫn cần quy định nội dung này ở dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), qua đó mới có nguồn để trả cho Quỹ Internet châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quốc tế”, Thứ trưởng nói.
Nhắc lại quy định tại khoản 1, Điều 11, Luật Phí và lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng một lần nữa khẳng định, nếu đây chỉ là loại phí, lệ phí thu hộ cho tổ chức quốc tế, thì cần thống nhất điều chỉnh trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), nhưng không phải điều chỉnh trong Luật Phí và lệ phí vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Về vấn đề còn có ý kiến khác nhau này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các cơ quan cần rà soát để bảo đảm tương thích giữa dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) với Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế. Vì, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định đối tượng điều chỉnh bao gồm thuế và các khoản phí, lệ phí, các khoản khác thuộc ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, không thể nói phí, lệ phí không thuộc về ngân sách nhà nước, vì Luật Quản lý thuế đã có quy định. Do vậy, các cơ quan cần nghiên cứu, rà soát để xác định sửa đổi ở Luật Phí và lệ phí hay quy định rõ trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng như xác định cơ quan nào quản lý, thực hiện thu hai loại phí và lệ phí này, chế độ, đối tượng nộp thế nào, chính sách miễn giảm thuế, lệ phí ra sao?… Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, nếu đây là những khoản phí, lệ phí thu hộ cho tổ chức quốc tế, thì nên để Bộ Thông tin Truyền thông hướng dẫn, chứ không phải Bộ Tài chính, vì đây là những loại phí, lệ phí có tính chất chuyên ngành.