"Đảng lãnh đạo tuyệt đối Quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội"
Theo Đại tướng, để giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội thì phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, lấy đó làm cơ sở, làm trung tâm, làm then chốt, làm động lực chủ yếu thúc đẩy mọi mặt công tác khác tiến lên đúng hướng. Đại tướng khẳng định: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội”. Quân đội nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, thống nhất về mọi mặt của Đảng, đó là nguyên tắc tối cao, là nguồn gốc sức mạnh và là cơ sở cho mọi thắng lợi của Quân đội.
Trong xây dựng Quân đội về chính trị và tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nhất quán đây là mặt quyết định, quan trọng nhất. Lãnh đạo chính trị - mà hạt nhân là công tác tư tưởng - là cái gốc của mọi vấn đề. Quân đội cách mạng phải đi theo đúng đường lối giai cấp của Đảng; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và quân sự; giữa con người và vũ khí; giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa lãnh đạo và chỉ huy... làm cho Quân đội ta trong bất kỳ tình huống nào đều phát huy tốt bản chất, truyền thống cách mạng, nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng Quân đội, Đại tướng có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền nếp, định ra và thực hiện các nội dung, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Đặc biệt, 5 vấn đề có tính nguyên tắc, 6 phương pháp lãnh đạo tư tưởng và 7 nguyên tắc công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội do Đại tướng tổng kết là cơ sở lý luận mang tính biện chứng cao, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đạo đức của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân, thương yêu, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân; là những quan điểm và tấm gương sáng ngời về quyết tâm triệt để chống chủ nghĩa cá nhân; là tấm gương về bám sát thực tiễn, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức đảng trong Quân đội, nhất là việc kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng cơ sở là chi bộ đại đội. Đại tướng đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị bàn về công tác tổ chức trong Quân đội, viết bài đăng trên các tạp chí lý luận của Đảng và Quân đội, nêu và đưa ra nhiều giải pháp về những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc trong tổ chức và lãnh đạo, chỉ huy Quân đội; vấn đề tăng cường kỷ luật, mở rộng dân chủ trong Đảng; công tác giáo dục, rèn luyện, phát triển đảng viên... Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong Quân đội; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức, tài, phẩm chất và năng lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tình hình nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Nhờ linh hồn, mạch sống của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, dưới sự chỉ đạo tâm huyết, có trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đội ngũ cán bộ của Đảng trong Quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go, làm nòng cốt trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần to lớn đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Khi trở vào chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực. Đại tướng đã góp phần xác định đúng sự thay đổi chiến lược của đế quốc Mỹ, sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu những ý kiến sắc sảo, những khẩu hiệu đánh Mỹ được tổng kết, hiện thực hóa thành phong trào thi đua. Sự có mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường miền Nam trong thời điểm “nóng bỏng” mang lại bước chuyển biến mạnh mẽ của Đảng bộ và phong trào cách mạng miền Nam.
Quan điểm kết hợp chiến tranh du kích với “quả đấm” của các binh đoàn chủ lực trong tổng thể đường lối chiến tranh nhân dân mang dấu ấn của một tinh thần sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược trong tư duy quân sự Nguyễn Chí Thanh, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương của một chiến sĩ cộng sản hết sức kiên cường, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là tấm gương của ý chí, nghị lực phi thường và tinh thần cách mạng tiến công chống mọi kẻ thù của giai cấp và dân tộc.
Cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, Đại tướng đã tỏ rõ bản lĩnh cách mạng; càng gian khổ, Đại tướng càng trưởng thành, bộc lộ rõ tố chất đặc biệt của một nhà lãnh đạo tài năng. Ở bất cứ cương vị nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đại tướng quan niệm “đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cái cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”.
Đại tướng là người cộng sản kiên định, trung thành, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục, khó khăn không lùi bước. Vượt qua bao nguy khó, hiểm nghèo, Đại tướng luôn kiên trì mục đích của cuộc sống, bảo vệ chân lý, giữ vững quan điểm, bình tĩnh, chủ động, không quản ngại hiểm nguy, dũng cảm và sáng suốt để thực hiện bằng được mục tiêu cách mạng.
Xuất phát từ quan điểm tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng kết: “Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì: Còn dân thì nước còn. Mất dân thì nước mất”. Quán triệt sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn khẳng định: “Quân đội ta là Quân đội của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”.
Mặt trận Bình - Trị - Thiên là một minh chứng hùng hồn, sinh động cho quan điểm của Đại tướng về lòng dân, sức dân, trí dân. Với tư tưởng “Chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”, Đại tướng đã chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích trong lòng dân, từ đó góp phần làm nên nhiều chiến công oanh liệt ở mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa.
Đường lối của Đảng trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, noi theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Chiến lược, chiến tranh nhân dân chỉ có thể hình thành và vận dụng thắng lợi trên cơ sở biết dựa trên tinh thần, trên nguồn vật chất, trên đầu óc sáng tạo vĩ đại của nhân dân, nhất là công nông”.
Trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không sức mạnh nào có thể so sánh nổi sức mạnh của quần chúng trong lao động sản xuất. Phát hiện và tin, dựa vào sức mạnh, tài trí của Nhân dân đã làm nên một Nguyễn Chí Thanh với cách gọi trìu mến của Bác Hồ là “Đại tướng nông dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại tư tưởng và tấm gương sáng ngời về chống chủ nghĩa cá nhân. Một trong những luận điểm nổi tiếng của Người là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người viết, nói, phân tích sâu sắc, lập luận khoa học, chặt chẽ về chủ nghĩa cá nhân và chống chủ nghĩa cá nhân.
Nắm vững những vấn đề lý luận căn cốt của chủ nghĩa Mác - Lenin liên quan đến chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cá nhân, khoa học về duy vật lịch sử, trăn trở với vận mệnh của đất nước, sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có nhiều bài viết tâm huyết có sức lan tỏa, thuyết phục, cảm hóa sâu sắc về chống chủ nghĩa cá nhân. Trong bài “Nâng cao tư tưởng xã hội chủ nghĩa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân” (1957), Đại tướng đã vạch rõ nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện, hình thái, tác hại và sự phát triển của nó, phân rõ ranh giới giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể.
Những bài viết, bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chống chủ nghĩa cá nhân đề ra phương hướng khắc phục trên nền tảng là củng cố, tu dưỡng lập trường của giai cấp công nhân. Điều quan trọng nhất đối với mỗi người cách mạng là biết vì Đảng, vì Tổ quốc và đồng bào, đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết, trước hết, quan tâm đến đời sống của Nhân dân.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu tấm gương sáng về tác phong làm việc khoa học, thiết thực, cụ thể, liên hệ lý luận với thực tiễn. Với tinh thần thẳng thắn, chân tình, Đại tướng thường phê bình bệnh nói suông, lối làm việc qua loa, đại khái, hình thức, không đi vào thực chất. Đây chính là một khía cạnh chiều sâu trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nhắc nhở: “Đối với Nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông”. Trong quá trình chỉ đạo công tác nông thôn, với tác phong sâu sát, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, Đại tướng đã có những đóng góp quan trọng tạo nên luồng gió mới Đại Phong - một mô hình nông nghiệp điển hình khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nắm chắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn đổi mới, sáng tạo. Trong công tác đảng, công tác chính trị, cũng như trong chỉ đạo tác chiến, phát triển nông nghiệp, không chấp nhận tư duy rập khuôn, máy móc, giáo điều, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, luôn luôn đổi mới và sáng tạo, xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Bàn về việc cải tiến tác phong công tác, Đại tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có mẫn cảm với cái mới, vứt đi những cái lạc hậu, lỗi thời, có như thế sự lãnh đạo của chúng ta mới có sức sống”.
Cả cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sống trong sạch, vì dân, vì nước, không gợn chút riêng tư; một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, sống đoàn kết, nghĩa tình, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào. Đạo đức trong sáng, mẫu mực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương cụ thể, gần gũi để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914 - 1.1.2024), người cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm của lực lượng vũ trang, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.