Xác nhận xu thế mới
“Năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng, nhanh hơn nhiều người nhận ra”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol phát biểu khi cơ quan này công bố Báo cáo đầu tư năng lượng thế giới 2023 vào tuần trước.
Trong báo cáo, IEA ước tính tổng đầu tư năng lượng thế giới sẽ đạt 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023, trong đó 1,7 nghìn tỷ USD sẽ dành cho các công nghệ sạch bao gồm năng lượng tái tạo, xe điện, nhà máy điện hạt nhân, cải tiến lưới điện… Trong số chi tiêu đó, 90% đầu tư sản xuất năng lượng sẽ dành cho công nghệ phát thải thấp.
“Đối với mỗi USD đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, khoảng 1,7 USD hiện đang được sử dụng cho năng lượng sạch. 5 năm trước, tỷ lệ này là một trên một. Điều đó cho thấy rõ ràng xu hướng đầu tư khi công nghệ sạch đang rời xa nhiên liệu hóa thạch”, ông Birol nói. Hiện nay, năng lượng tái tạo đang là ngành công nghiệp lớn thứ 3 trên thế giới về thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố, đặc biệt là giá dầu và khí đốt cao và mối lo ngại về nguồn cung, đã khiến chi tiêu cho năng lượng tái tạo tăng vọt. “Một ví dụ điển hình là đầu tư vào năng lượng mặt trời, lần đầu tiên được thiết lập để vượt qua số tiền đầu tư vào sản xuất dầu”, ông Fatih Birol lưu ý.
Siêu năng lượng thực sự
IEA dự kiến đầu tư vào năng lượng mặt trời, về cơ bản là các tấm quang điện, sẽ đạt 380 tỷ USD trong năm nay, trong khi đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu sẽ đạt 370 tỷ USD. Ông Dave Jones, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu tại tổ chức tư vấn năng lượng Ember đánh giá: “Điều này tôn vinh năng lượng mặt trời như một siêu năng lượng thực sự”. Giá sản xuất năng lượng mặt trời thấp sẽ giúp thúc đẩy các nỗ lực khử carbon khi việc sử dụng ô tô điện tăng tốc.
Theo IEA, đầu tư vào công nghệ năng lượng mặt trời dự kiến sẽ vượt 1 tỷ USD mỗi ngày vào năm 2023. IEA trích dẫn ba lý do cho sự gia tăng đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác: chi phí giảm, nhận được chú ý nhiều hơn ở cấp quốc gia đối với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và nhiều chiến lược công nghiệp đang được các chính phủ đưa ra để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư năng lượng mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung là khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tiếp theo là Tây Âu và Mỹ.
Nhiều chính phủ đang bắt đầu coi các nguồn năng lượng sạch “là giải pháp lâu dài cho vấn đề an ninh năng lượng, bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Birol nói với CNBC. Để làm cho các khoản đầu tư tái tạo trở thành cơ hội hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp tập trung vào lợi nhuận, nhiều quốc gia đang ban hành luật, như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ và các chính sách tương tự ở Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Ấn Độ nhằm thúc đẩy các quy trình tái tạo và khuyến khích điện khí hóa.
Ông Birol phát biểu: “Các chính phủ, nhà đầu tư thấy rằng, chương tiếp theo của ngành năng lượng là sản xuất dựa trên công nghệ sạch, pin, ô tô điện, tấm pin mặt trời, và họ đang cung cấp các ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư”.
Vẫn cần đi đúng hướng
Mặc dù đầu tư vào năng lượng sạch tăng mạnh là tín hiệu đáng hoan nghênh, song IEA vẫn cảnh bảo, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch cũng đang tăng lên trong khi lẽ ra nó phải giảm nhanh.
Thế giới vẫn chưa đi đúng hướng về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Mặc dù IEA dự kiến đầu tư năng lượng sạch hàng năm sẽ tăng 24% từ năm 2021 đến năm nay, nhưng chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa cạn kiệt hoàn toàn. Nó vẫn đang tăng lên, 15 % cùng khoảng thời gian. Nói cách khác, nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn chưa thể giảm mạnh.
IEA cho biết: “Sự phục hồi dự kiến trong đầu tư nhiên liệu hóa thạch có nghĩa là nó sẽ tăng vào năm 2023 lên hơn gấp đôi mức cần thiết vào năm 2030”. Đặc biệt, nhu cầu về than đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trên toàn cầu vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt gần gấp sáu lần mức cần thiết để giảm lượng khí thải đến mục tiêu mong muốn vào năm 2030. Bên cạnh đó, sự phục hồi trong đầu tư vào dầu khí, dự đoán cũng sẽ trở lại mức của năm 2019 trong năm nay.
Đầu tư vào năng lượng sạch tập trung tới 90% ở các quốc gia tiên tiến và Trung Quốc, trong khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh nhất là ở các quốc gia Trung Đông, IEA lưu ý. Các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển có thể bị cản trở bởi chi phí trả trước cao cộng với lãi suất cao, chính sách không rõ ràng của nhà nước và cơ sở hạ tầng yếu kém. Ông Jones cho biết: “Điều trớ trêu là một số nơi nhiều nắng nhất trên thế giới lại có mức đầu tư năng lượng mặt trời thấp nhất. Đây là vấn đề cần được chú ý”.
Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng nhận thấy, phần lớn các công ty năng lượng lớn không đầu tư đáng kể vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Năm ngoái, chỉ 5% dòng tiền của họ được dành cho các dự án thu hồi carbon, năng lượng tái tạo và ít carbon, chỉ khoảng một phần tư số tiền được chi trả tổng thể cho các cổ đông. Trong khi đó, năm ngoái, IEA từng cảnh báo, đầu tư vào năng lượng tái tạo cần tăng thêm 60% để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Vì thế, IAE kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là để thúc đẩy đầu tư vào các nền kinh tế có thu nhập thấp, nơi khu vực tư nhân không muốn đầu tư nhiều vào lĩnh vực năng lượng sạch.