Sau khi được Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Hội đồng ký phê chuẩn, luật sẽ được công bố trên Công báo Liên minh châu Âu. Các quy định mới trong luật sẽ có hiệu lực vào ngày kế tiếp sau khi công bố và bắt đầu được áp dụng sau 3 năm kể từ ngày có hiệu lực. Luật yêu cầu các cơ quan chức năng của tất cả các quốc gia thành viên đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu khỏi thị trường EU bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Để đạt được điều này, luật thiết lập một khuôn khổ có cấu trúc để cấm sử dụng lao động cưỡng bức trong sản xuất hàng hóa EU và trong chuỗi cung ứng. Quy định này sẽ nhắm vào các động cơ lệch lạc cho phép các công ty hưởng lợi từ lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ.
Loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng
Theo Hội đồng châu Âu, luật được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có khoảng 28 triệu người trên toàn cầu bị buộc phải làm việc trong điều kiện lao động cưỡng bức. Phần lớn tình trạng lao động cưỡng bức diễn ra ở các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương, với tỷ lệ cao nhất ở các quốc gia vùng Vịnh, nơi phụ thuộc nhiều vào lao động di cư. Theo ước tính toàn cầu năm 2022 của ILO về chế độ nô lệ hiện đại, có tới 17,3 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trong khu vực tư nhân, tăng 8% so với giai đoạn 2016 - 2021. Báo cáo gần đây của ILO về kinh tế học lao động cưỡng bức chỉ ra rằng, các công ty thu lợi từ lao động cưỡng bức trong khu vực tư nhân đạt 63,9 tỷ USD mỗi năm.
Ban đầu, Ủy ban châu Âu đề xuất luật trên là vào tháng 9.2022 để giúp giải quyết vấn đề vốn được coi là "nô lệ thời hiện đại", theo đó, các cơ quan hải quan có nghĩa vụ xác định và ngăn chặn các sản phẩm do lao động cưỡng bức sản xuất xâm nhập vào biên giới EU, đồng thời trao quyền cho các quốc gia thành viên loại bỏ các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức sau khi tiến hành điều tra. Luật bao trùm tất cả các sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm được sản xuất tại EU cho thị trường nội địa và xuất khẩu, cũng như hàng hóa nhập khẩu.
Theo quy định mới, các sản phẩm bị phát hiện sản xuất bằng lao động cưỡng bức có thể bị EU yêu cầu loại bỏ, tái chế, quyên góp hoặc tiêu hủy. Doanh nghiệp vi phạm sẽ đối mặt với các hình phạt, nhưng nếu loại bỏ được lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng, sản phẩm của họ sẽ được phép quay lại thị trường.
Trong các cuộc đàm phán giữa Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, các nhà lập pháp đã điều chỉnh đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu, bao gồm việc xác định rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm điều tra. Cụ thể, Ủy ban sẽ giám sát các cuộc điều tra liên quan đến các quốc gia bên thứ ba, trong khi các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên sẽ chỉ đạo các cuộc điều tra khi rủi ro xảy ra trong lãnh thổ của các quốc gia này. Quyết định của một nước sẽ có hiệu lực đối với tất cả các quốc gia thành viên khác, theo nguyên tắc công nhận lẫn nhau.
Theo quy định mới, Ủy ban châu Âu sẽ có quyền tiến hành điều tra khi có nghi vấn về chuỗi cung ứng của các nước ngoài khối. Nếu được chứng minh có sử dụng lao động cưỡng bức, cơ quan chức năng tại EU sẽ thu giữ hàng hóa ngay tại biên giới, ra lệnh rút chúng khỏi thị trường châu Âu và loại bỏ khỏi kệ hàng của các nhà bán lẻ trực tuyến.
EU cũng sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu thường xuyên cập nhật về các nguy cơ liên quan đến lao động cưỡng bức, bao gồm các báo cáo quốc tế, nhằm hỗ trợ Ủy ban châu Âu và các nước thành viên trong việc đánh giá về khả năng vi phạm.
Các quy định trong luật mới sẽ hỗ trợ việc thực thi Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp EU, có hiệu lực từ đầu năm 2024. Chỉ thị yêu cầu các công ty lớn thiết lập quy trình thẩm định có hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung ứng, nhằm nhận diện, ngăn chặn, giảm thiểu và khắc phục thiệt hại về môi trường và vi phạm nhân quyền, với phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro; chỉ thị áp dụng các hình phạt đối với các công ty không tuân thủ, bao gồm tiền phạt lên đến 5% doanh thu toàn cầu và việc công khai tên tuổi của họ.
Góp phần vào hành trình chống lao động cưỡng bức của thế giới
Trong gần một thế kỷ, các nhà chức trách toàn cầu đã tiến hành cuộc chiến chống lại lao động cưỡng bức, hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Những nỗ lực ban đầu đáng chú ý nhằm xóa bỏ tình trạng này bao gồm Đạo luật thuế quan năm 1930 tại Mỹ và Công ước châu Âu về quyền con người (ECHR), được thông qua vào năm 1950. Chẳng hạn, luật của Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, một trong những nỗ lực đầu tiên để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng quốc tế. Mặc dù vậy, các biện pháp này chỉ mang tính chất địa phương và chưa đủ mạnh mẽ để có tác động toàn cầu.
Trong khi đó, Điều 4 của ECHR đặc biệt cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, thiết lập một chuẩn mực pháp lý quan trọng cho quyền con người trên khắp châu Âu; năm 2015, Luật Chống nô lệ hiện đại của Vương quốc Anh đã đánh dấu sự tiếp tục mới nhất của xu hướng này tại nhiều quốc gia trong châu lục già.
Nhìn sang các quốc gia khác, Ấn Độ đã ban hành Luật Chống nô lệ từ năm 1976, cấm các hình thức nô lệ gắn với nợ. Nước này cũng tiến hành các chiến dịch giám sát để phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động cưỡng bức, đặc biệt trong ngành công nghiệp may mặc. Australia thì có Luật Chống lao động cưỡng bức năm 2018, yêu cầu các doanh nghiệp lớn (có doanh thu từ 100 triệu AUD trở lên) phải báo cáo công khai các biện pháp họ thực hiện để ngăn ngừa lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình, đồng thời bảo vệ người lao động.
Nhật Bản thông qua Luật Lao động nhập cư năm 2019, quy định rõ ràng về các điều kiện làm việc của lao động nhập cư và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ. Tương tự, Singapore có Luật Quản lý lao động ngoại, nêu rõ các quyền lợi của lao động nhập cư và các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi khai thác, cưỡng bức lao động. Các công ty có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền và cấm tuyển dụng lao động ngoại. Ngoài ra, đảo quốc sư tử cũng khuyến khích các công ty đăng ký chương trình đánh giá trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) để bảo đảm không có lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Brazil coi lao động cưỡng bức là tội ác và các tổ chức, cá nhân có thể bị truy tố nếu tham gia vào hành vi này trong Luật Chống lao động cưỡng bức năm 1995. Nước này thường xuyên công bố danh sách "đen" các doanh nghiệp sử dụng lao động cưỡng bức, giúp tạo ra sự minh bạch trong ngành công nghiệp, đặc biệt là trong nông nghiệp và khai thác khoáng sản.
Ở cấp độ quốc tế lớn hơn, ILO cũng không ngừng thúc đẩy việc xóa bỏ lao động cưỡng bức thông qua các công ước quốc tế. Một trong những công ước quan trọng nhất là Công ước ILO về lao động cưỡng Bức (C.29) được thông qua từ năm 1930, yêu cầu các quốc gia tham gia cam kết không sử dụng lao động cưỡng bức trong mọi hình thức. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra các sáng kiến toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nô lệ hiện đại. Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Mục tiêu số 8 (Tăng trưởng kinh tế bền vững và việc làm đầy đủ), bao gồm các cam kết về bảo vệ quyền lao động và ngừng sử dụng lao động cưỡng bức.
Lao động cưỡng bức bao gồm một loạt các hoạt động xảy ra trong nhiều ngành nghề, từ chính thức đến phi chính thức, và có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Những phương pháp này không chỉ giới hạn ở bạo lực thể xác, giam giữ hay khấu trừ lương, mà còn có thể bao gồm các đe dọa tinh vi, chẳng hạn như việc uy hiếp gia đình của nạn nhân hoặc đe dọa báo cáo họ với cơ quan chức năng.
Lao động cưỡng bức là công việc được thực hiện mà không có sự đồng ý tự nguyện và đầy đủ thông tin từ người lao động, đồng thời không cho phép họ có quyền tự do rời đi bất cứ lúc nào. Định nghĩa này làm nổi bật tính chất phức tạp của lao động cưỡng bức, không chỉ là việc ép buộc về thể xác, mà còn là sự tước đoạt quyền tự quyết và tự do của người lao động; nó cũng chỉ ra những chiến thuật tinh vi được sử dụng để làm cho nạn nhân rơi vào tình trạng bị bóc lột mà không nhận thức được hoặc không có khả năng thoát ra.