Một trong số những kỷ vật chiến tranh mà phía Hoa Kỳ trao lại cho phía Việt Nam là cuốn nhật ký bị thất lạc gần 60 năm qua của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện, từng chiến đấu trong Đại đội 2, Tiểu đoàn Phòng không 56, Trung đoàn Pháo binh 69.
Cuốn nhật ký gồm 145 trang, kể cả một số trang để trống, được quân nhân Nguyễn Văn Thiện bắt đầu ghi chép từ năm 1965, khi ông bắt đầu hành quân vào chiến trường miền Nam. Cuốn nhật ký tập hợp những dòng ghi chép mô tả tương đối chi tiết, giàu cảm xúc về hành trình vào miền Nam của tác giả, đi qua các tỉnh: Hoà Bình, Hà Đông, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, nước Lào và tỉnh Kon Tum, nơi ông ghi chép lần cuối ngày 13.2.1966.
Những ghi chép của tác giả mô tả chân thực hành trình chiến đấu đầy gian khổ, hiểm nguy, nhọc nhằn cùng những hy sinh, mất mát mà những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam phải trải qua, những chặng đường hành quân vất vả qua địa hình khắc nghiệt, giữa các cuộc oanh kích khốc liệt của quân thù, trong điều kiện đói ăn, thiếu mặc, bệnh tật, hiểm nguy luôn rình rập… Mặc dù phải đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào nhưng tác giả và những đồng đội của mình luôn giữ vững ý chí kiên cường, tinh thần quyết chiến quyết thắng và niềm tin, niềm lạc quan bất diệt vào ngày đất nước sớm hoà bình.
Những trang nhật ký bị thất lạc của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện còn đầy ắp những dòng ghi chép ngợi ca tình quân dân, sự đối đãi tốt bụng và hào phóng của nhân dân địa phương dành cho bộ đội, nơi họ hành quân qua hoặc ở nhờ; những cảm xúc của tác giả rung động trước cảnh đẹp của quê hương đất nước trên đường hành quân… Cuốn nhật ký được nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ash, Đại học Harvard tìm thấy trong bộ tài liệu chiến trường được lưu trữ bởi Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp (CDEC) thuộc Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Sau quá trình nghiên cứu, điều tra, nhóm chuyên gia Đại học Harvard đã tìm được chủ nhân của cuốn nhật ký và trao lại cho tác giả.
Nhận lại cuốn nhật ký chiến tranh bị thất lạc gần 6 thập kỷ qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện không khỏi xúc động và ngỡ ngàng. Ông cho biết, “Không bao giờ, thậm chí trong mơ lại nghĩ một ngày nào đó sẽ thấy lại cuốn nhật ký đó”. Khi nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard liên lạc với ông để xác nhận quyền sở hữu đối với cuốn nhật ký, ông không khỏi hoài nghi bởi lẽ cuốn sổ đã mất rất lâu rồi. Giữa bom rơi đạn lạc, cuốn nhật ký này hoàn toàn có thể bị cháy rụi, phá hủy hoặc chôn vùi trong đống đổ nát, tro tàn trong chiến tranh. “Không bao giờ tôi nghĩ họ lại nhặt được và giữ đến tận bây giờ. Đây thật sự giống như trong mơ bởi việc tìm lại cuốn nhật ký này như tìm kim đáy bể”, ông Thiện nói.
Cuốn nhật ký bị thất lạc trong thời chiến của người quân nhân Việt Nam được trao lại cho chủ nhân diễn ra vào thời điểm đặc biệt và hết sức ý nghĩa, khi Việt Nam - Hoa Kỳ vừa chính thức xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - phản ánh tầm vóc của quan hệ, phù hợp với lợi ích của Nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Và điều đặc biệt nữa là, cuốn nhật ký và các kỷ vật chiến tranh khác đã được Hội Cựu chiến binh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trao tặng cho nhau tại Nhà Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho cử tri và Nhân dân Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Joe Biden. Đây không chỉ sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn mang tính biểu tượng cho quá trình hàn gắn, xây dựng và củng cố lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Trong gần 50 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, những bước tiến mạnh mẽ chưa từng thấy, với những thành tựu vượt bậc trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, từ kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, đến các cơ chế đối thoại, phối hợp trên nhiều vấn đề, lĩnh vực... Đặc biệt, hai bên đã đạt những kết quả nổi bật trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như: Dự án tẩy độc dioxin/da cam; các hình thức hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba; rà phá bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Mới đây nhất, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác giám định mẫu hài cốt liệt sỹ Việt Nam chưa xác định được danh tính.
Từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh với niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Với việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ và thực chất. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ khi chứng kiến những giây phút xúc động hai bên trao tặng nhau các kỷ vật chiến tranh "củng cố niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau chính là gốc rễ bền chặt để quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn trong tương lai, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới".