Cực hữu trước ngưỡng cửa quyền lực?
Theo kết quả bầu cử, Chủ tịch FN Marine Le Pen giành được gần 41% số phiếu ủng hộ tại vùng Nord-Pas-de-Calais-Picardie. Tại vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, cháu của bà Marine, nữ chính trị gia trẻ tuổi Marion Maréchal Le Pen cũng đạt tỷ lệ ủng hộ tương tự, còn “cánh tay phải” của bà Marine là Florian Philippot cũng giành được 36% số phiếu ủng hộ ở vùng Alsace -Lorraine - Champagne - Ardenne. Trong khi đó, hai chính đảng truyền thống là đảng Cộng hòa (LR) cánh hữu của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đảng Xã hội (PS) cánh tả của đương kim Tổng thống Francois Hollande lần lượt thu được 27,5% và 23,5% số phiếu ủng hộ. Như vậy, trong vòng bầu cử đầu tiên kể từ khi xảy ra chuỗi tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris khiến 130 người thiệt mạng, FN đã dẫn đầu số phiếu ủng hộ tại ít nhất 6 trong số 13 khu vực của Pháp. Kết quả này đã giúp FN đặt một chân vào vị trí lãnh đạo vùng.
Bà Marine Le Pen và những người ủng hộ | Nguồn: Independent |
Đây rõ ràng là một “cú sốc lớn” đối với nước Pháp, tương tự như lần cựu Chủ tịch FN Jean-Marie Le Pen lọt vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống năm 2002. Một khi nắm quyền lãnh đạo vùng, FN sẽ quyết định những vấn đề thiết yếu của hàng triệu người Pháp, từ phát triển kinh tế, quản lý trường học, vận tải đường sắt cho đến vấn đề năng lượng, tài trợ cho các hiệp hội… trong 6 năm tới. Tất nhiên, tham vọng của FN không dừng ở đây, bởi bà Marine Le Pen không giấu giếm ý định trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Pháp.
Tờ Le Figaro cho rằng, kết quả trên đã đưa FN thành đảng chính trị hàng đầu tại Pháp, chấm dứt thời kỳ luân phiên thống trị giữa hai đảng truyền thống tả và hữu. Kể từ giờ, nền chính trị nước Pháp sẽ phân làm ba cực, với sự hiện diện của ba chính đảng lớn.
Thành trì bác ái sụp đổ?
“Cú sét” từ FN khiến nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào tại thành trì của giá trị nhân văn, bình đẳng, bác ái, một đảng cực hữu có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư lại tiến mạnh như thế?
Kết quả bầu cử trước hết phản ánh cuộc khủng hoảng niềm tin trong cử tri Pháp. Thất vọng với chính sách của đảng PS cầm quyền nhưng cũng không tin tưởng vào các đảng đối lập cánh hữu truyền thống, cử tri Pháp đã tìm đến lực lượng thứ ba. Việc chỉ có 50% cử tri đi bỏ phiếu phản ánh thái độ bàng quan của người dân Pháp. Dường như một nửa dân số Pháp không còn muốn lắng nghe những tuyên bố, cam kết sáo mòn từ hai chính đảng PS và LR trong hai tuần vận động tranh cử cuối cùng. Các cuộc thăm dò báo động nguy cơ đảng FN có thể giành chiến thắng lẫn lời kêu gọi Chính phủ xem lá phiếu như một vũ khí chống khủng bố cũng không đủ để thúc đẩy người dân đi bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử địa phương diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đối phó với khủng hoảng người di cư, với hàng trăm nghìn người từ khu vực Trung Đông, đặc biệt là từ Syria, ồ ạt tìm đường sang châu Âu tị nạn. Tại Pháp, nhiều thị trưởng và người dân đã lên tiếng phản đối việc chính quyền “ra lệnh” cho địa phương mở cửa tiếp nhận người tị nạn. Đảng cực hữu vốn chủ trương hạn chế số lượng người nhập cư đã biết khai thác mối lo ngại của cử tri trong vấn đề này.
Thái độ bất bình với chính sách tiếp nhận người di cư của chính quyền càng được củng cố sau khi nước Pháp trải qua vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris. Không ít người đổ lỗi cho chính sách mở cửa cho người nhập cư đã tạo ra những lỗ hổng an ninh, nhất là khi 2 trong số những kẻ khủng bố Paris hôm 13.11 đã ở trong dòng người tị nạn. Vì thế, họ quay sang ủng hộ các bài diễn văn “sặc mùi” phân biệt chủng tộc, chống nhập cư, bài ngoại và cực đoan của FN.
Cuộc bầu cử địa phương lần này là cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2017. Nó có ý nghĩa như bệ phóng cho ứng cử viên của đảng giành chiến thắng trong cuộc đua vào Điện Elysée. Việc FN lên nắm quyền ở Pháp không chỉ đe dọa xáo trộn cấu trúc chính trị của nước Pháp mà còn kích động làn sóng cực hữu trên khắp châu Âu.
Hiện tại, các chính đảng đang ra sức lôi kéo nhóm cử tri không đi bầu ở vòng 1 tham gia bỏ phiếu ở vòng 2. Kết quả ở vòng 1 sẽ là sự cảnh tỉnh đối với toàn cử tri Pháp rằng, bằng cách trừng phạt các đảng truyền thống, họ đang trừng phạt tương lai của chính mình khi đưa một đảng cực hữu lên cầm quyền.