ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG: Có quy định riêng, rõ hơn về đấu thầu trong lĩnh vực y tế
Góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ tán thành với ý kiến nên có một chương riêng liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vì đây là một loại hàng hóa rất đặc thù… “Hiện nay, đồng thời với việc sửa đổi Luật Đấu thầu thì đang sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh. Trong quá trình thảo luận cũng có nhiều ý kiến thảo luận xung quanh nội dung này. Để có thể giải quyết được triệt để vướng mắc trong công tác đầu thầu thuốc, vật tư y tế và hóa chất thì trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên có một chương riêng”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phân tích.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nêu rõ: Trong chương này, cần phải có những quy định rõ hơn về công tác phân cấp, phân quyền đối với hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế… Bởi thực tế hiện nay, có nhiều đơn vị được giao tự chủ mức độ 1, mức độ 2, do đó việc phân cấp trong đấu thầu cần phải rõ để thuận lợi trong thực hiện.
Liên quan đến Khoản 3, Điều 7 quy định các thông tin liên quan đấu thầu thì phải được đăng tải trên Báo Đấu thầu, trên trang thông tin điện tử và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác…, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nên quy định có tính chất bắt buộc việc đăng tải các thông tin liên quan đấu thầu ở một địa chỉ duy nhất là Hệ thống đấu thầu quốc gia.
“Tại điều 17 quy định về các trường hợp hủy thầu, nhưng chưa có quy định xử lý hủy thầu trong trường hợp mời thầu nhiều lần mà không có người tham gia. Bởi, thực tế xuất hiện tình huống mời thầu nhiều lần nhưng không có ai đăng ký tham gia… Do đó, Luật sửa đổi cũng cần quy định xử lý hủy thầu trong trường hợp mời thầu nhiều lần mà không có người tham gia”, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.
ĐBQH VÕ THỊ MINH SINH: Cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội trong giám sát hoạt động đấu thầu
Bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật chưa quy định rõ căn cứ xác định “đáp ứng năng lực tài chính” của nhà thầu; vấn đề xử lý trường hợp hủy thầu nếu nhà thầu không đủ năng lực hoặc việc bù đắp chi phí cho các bên liên quan để bù đắp chi phí đấu thầu lại;… đại biểu Võ Thị Minh Sinh đặt vấn đề về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu: Tại sao không quy định yêu cầu làm rõ năng lực của nhà thầu ở giai đoạn trình thẩm định, phê duyệt công khai kết quả lựa chọn thầu mà phải đến bước cuối cùng là ký kết hợp đồng mới xác định năng lực tài chính của nhà thầu?
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh băn khoăn: Vấn đề đặt ra ở đây là quy định như thế nào là đáp ứng năng lực tài chính? Căn cứ nào xác định Nhà đầu tư bảo đảm đáp ứng năng lực tài chính? Có cần phải xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư hay không? Trong trường hợp nhà đầu tư không còn đủ năng lực thì giải quyết hậu quả như thế nào? (có bị hủy kết quả đấu thầu không? Hủy thầu không? Hoặc không công nhận kết quả trúng thầu, kể cả khi đã ký kết hợp đồng – khoản 2, điều 18); mà theo khoản 3, điều 17 của dự thảo: “Hủy thầu được thực hiện trong thời gian từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến trước khi ký kết hợp đồng”.
“Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm khoản 4, điều 17: “Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 và điểm c, d khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan để bù đắp chi phí đấu thầu lại và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu, thì cơ chế đền bù chi phí cho các bên liên quan như thế nào?”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh.
Liên quan đến “giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” tại điều 87, đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự tham gia của các tổ chức xã hội, giám sát trong hoạt động đấu thầu để bảo đảm tính minh bạch của hoạt động này (tổ chức giám sát xã hội có thể là Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các cơ quan đại diện cho nhóm yếu thế…). Trên cơ sở phân tích các điều khoản, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung vào hoạt động giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của các tổ chức chính trị - xã hội, vì trong dự thảo Luật chưa thấy “bóng dáng” của các tổ chức này, mà mới quy định toàn bộ nội dung giám sát là do cơ quan quản lý Nhà nước về đầu thầu thực hiện.
ĐBQH HOÀNG THỊ THU HIỀN: Không nên quy định đấu thấu hạn chế trong dự thảo Luật
Liên quan đến Điểm b, Khoản 1, Điều 11 về quy định “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao chất lượng gói thầu”, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị bỏ quy định này ra khỏi dự thảo luật. “Bởi, quy định này không rõ ràng, có tính định tính; trong khi các quy định liên quan đến sự tham gia của nhà thầu quốc tế đã rất rõ”, đại biểu lý giải.
Tại Điều 20 về đấu thầu hạn chế, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, bản chất của đấu thầu là mang tính công khai, cạnh tranh, do đó, không nên quy định điều luật về đấu thấu hạn chế trong dự thảo Luật, (việc này sẽ được quy định trong các yêu cầu của gói thầu cụ thể đối với một số gói thầu có tính chuyên môn cao khi tổ chức mời thầu…).
ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền cũng bày tỏ không đồng tình khi nhiều điểm trong quy định của dự thảo luật đưa ra như: Thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công trình, giải phóng mặt bằng, thi công rà phá bom mìn hoặc gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội lại thuộc phạm vi điều chỉnh về chỉ định thầu…
Theo ĐBQH Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An), Ban soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng luật này theo hướng có những quy định chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng khi đấu thầu; tránh lợi dụng kẻ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, thông thầu… Đồng thời, đề nghị Luật Đấu thầu (sửa đổi) có quy định giao Bộ Quốc phòng nội dung về công tác đấu thầu trong Bộ Quốc phòng, để vừa bảo đảm không trái quy định của luật; vừa bảo đảm bí mật quân sự, bí mật Nhà nước về mua sắm tài sản, hàng hóa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng...