Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vui nhất khi giá dầu tăng như thời gian vừa qua. Chiếm 40% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, OPEC đã ba lần phải cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm ngoái để bình ổn giá khi giá dầu “rơi tự do” từ mức cao kỷ lục 147 USD/thùng tháng 7.2008 xuống còn trên 32 USD/thùng vào tháng 12.2008. Tuần trước, tại cuộc họp ở Vienna, Áo, OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi và giá dầu mỏ tăng.
Có lẽ giá dầu tăng cũng là minh chứng cho thấy ngành công nghiệp đang phục hồi. Các chuyên gia kinh tế đang có xu hướng liên kết “đồ thị giá dầu” với tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về tiêu thụ nhiên liệu này có xu hướng tăng trưởng liên tục trong 3 tháng qua, cho thấy đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể đã qua. Xu hướng này càng được củng cố qua tốc độ giảm khối lượng sản xuất công nghiệp ở Mỹ không trầm trọng như dự đoán trước đó. Một chuyên gia kinh tế Nga khẳng định “đã qua rồi thời đại giá dầu rẻ và thế giới trong tương lai không nên mong chờ sẽ có giá dầu thấp”. Giá cả mọi loại hình dịch vụ, các loại sản phẩm cũng như mức sinh hoạt đều có một phần do giá dầu quyết định, do đó thế giới cần hỗ trợ để ổn định giá dầu mỏ, xây dựng thị trường minh bạch và dễ tiên đoán qua những thông số cung cầu cơ bản.
Nói đến cung- cầu, có ý kiến cho rằng, tại sao cung thừa, cầu yếu mà giá dầu vẫn tăng cao. Các bồn dầu dự trữ khắp thế giới có lẽ đang đầy ắp dầu vì không có người mua do sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, quy luật cung- cầu truyền thống thường không được áp dụng với giá dầu. Trong những tháng gần đây, giá xăng dầu tăng do các nhà đầu tư và các nhà sản xuất dầu tích trữ hàng vì dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Giá dầu đang tiến gần đến mục tiêu mà các nhà lãnh đạo OPEC đặt ra là 75-80 USD/thùng vào cuối năm nay.
Khả năng phục hồi kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước sản xuất dầu, khi nền kinh tế của những nước này đang lâm vào tình trạng nguy hiểm do suy thoái kéo dài. Sáu “cường quốc dầu mỏ” vùng Vịnh (gồm Arab Saudi, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait, Oman và Cata) và một số quốc gia khác như Algeria, Sudan, Libya, Iraq và Iran mặc dù từng được đánh giá là “ít bị tổn thương” hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế bùng phát, song những nước này đã phải bắt đầu thay đổi một số chính sách chi tiêu nhà nước nhằm thích nghi với tình hình thực tế. Hồi tháng 2.2009, tổ chức Bretton Woods đã cảnh báo các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông và Bắc Phi có nguy cơ mất khoảng 300 tỷ USD do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, Pháp, nhu cầu về dầu tại các nước giàu đã giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm ngoái, và hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1981. Trong tháng 5, lượng dầu tồn kho của Mỹ đã lên tới mức cao nhất kể từ những năm 1980. Hiện có khoảng 2,6 tỷ thùng dầu thương mại đang được tích trữ trên khắp thế giới và có nguy cơ hết chỗ chứa dầu trong khoảng 4-6 tuần tới.
Dẫu sao giới đầu tư và các nước sản xuất dầu vẫn đặt cược rằng, nhu cầu toàn cầu sẽ tăng trở lại. Rõ ràng, họ hy vọng rằng cuộc suy thoái hiện nay đã chạm đáy. Trong hai tháng qua, các nhà đầu tư đã rót hàng tỷ USD để mua dầu giao theo kỳ hạn. Nếu nền kinh của Mỹ và các nước công nghiệp lớn khác phục hồi, nguồn cung dầu có thể cạn kiệt, vì suy thoái đã khiến các nước sản xuất dầu phải ngừng hàng trăm dự án khai thác các giếng dầu mới hoặc nâng cấp các giềng dầu đã có.
Tuy nhiên, giá dầu chắc sẽ không trở lại mức 147 USD/thùng, ít nhất là trong những thập kỷ tới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, giá dầu có thể sẽ tăng lên 110 USD/thùng vào năm 2015 và 130 USD/thùng vào năm 2030. Đến lúc đó, các thị trường dầu mỏ thế giới có thể lại tuân theo các quy luật kinh tế thông thường.