Đầu tiên, Quy định 114-QĐ/TW “chỉ mặt, đặt tên” rất rõ ràng và rành mạch các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác.
Theo đó, có 8 hành vi được xem là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Như, việc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ…
Quy định 114-QĐ/TW cũng nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền. Trong đó có việc trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm để có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi. Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, bằng cấp, luân chuyển, phong, thăng quân hàm... để đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi…
Ngoài ra còn có 5 hành vi tiêu cực khác, như: gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; kê khai lý lịch không đầy đủ, không trung thực; lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…
Một điểm mới quan trọng nữa đó là trong Quy định 114-QĐ/TW, Bộ Chính trị tiếp tục yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, song đã nêu chi tiết các ngành cấm bố trí người có quan hệ gia đình và giải thích rõ những ai được xem là “người có quan hệ gia đình”.
Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương. Người có quan hệ gia đình, theo Quy định 114-QĐ/TW, gồm: vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng).
Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao thì phải báo cáo và được cấp trên đồng ý trước khi bố trí. Nếu là chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý, tổ chức đảng phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh do trung ương quản lý thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền.
Có thể thấy, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng và tổ chức cán bộ. Quy định 114-QĐ/TW là văn bản mới nhất và được người dân đặc biệt quan tâm, bởi lẽ công tác cán bộ vốn là một việc không thể tách rời trong quy trình phòng chống tham nhũng. Mong mỏi của người dân là Quy định 114-QĐ/TW và các văn bản liên quan được thực thi hiệu quả. Có như vậy công cuộc phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả cao nhất. Có như vậy mới xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ; đồng thời, khắc phục tình trạng lạm quyền trong sắp xếp, bổ nhiệm người thân, người nhà, người không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý không đúng quy định của Đảng, gây dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.