Cần thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung được xây dựng; đồng thời nhấn mạnh: Cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển các tỉnh, thành phố nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, các đại biểu nhận định: Quốc hội tiếp tục bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt và tính thực tiễn trong các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển tỉnh Nghệ An… Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo nghị quyết sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ.
Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi, bổ sung cần bám vào Nghị quyết số 52-NQ/TW của Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xác định vai trò của Đà Nẵng trong hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung, Tây Nguyên…

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), chính sách vượt trội cần phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. “Đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, cần nghiên cứu có quy định thêm về các tiêu chí đối với đô thị thông minh. Còn đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, cần quan tâm chú trọng tới phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông ven biển, đặc thù về kinh tế số;… Bên cạnh đó, thành phố Vinh cũng nên có cơ chế đặc thù để xây dựng đô thị thông minh”, đại biểu đề xuất.
ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, việc thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ 3-4 năm. Do vậy, cần sớm tiến hành tổng kết, đánh giá tính hiệu quả và có đề xuất xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị để áp dụng chung cho các đô thị lớn đang mở rộng quy mô trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề nghị: bổ sung thêm “hệ thống siêu máy tính, trung tâm dữ liệu,” vào danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố (tại điểm b, khoản 1 Điều 12)… để tăng năng lực nghiên cứu và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh, hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả và tăng cường an ninh quốc gia… Đồng thời, bổ sung thêm những chính sách ưu tiên đặc biệt và khả thi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược; đồng thời bổ sung thêm điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng.
Liên quan đến quy định về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13), đại biểu đề xuất thí điểm thành lập “Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng” thay vì chỉ là “Khu thương mại tự do”… Theo đại biểu, đây là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đề nghị có cơ chế đặc thù về đầu tư như Điều 5 Nghị quyết số 43 (Chỉ định Nhà đầu tư, mỏ vật liệu…); đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm các chính sách đặc thù trong việc triển khai, thực hiện các dự án lớn được nhanh, hiệu quả và bảo đảm chất lượng. Trong đó, tham khảo từ những quy định đặc thù đã phát huy tính ưu điểm, khắc phục được những hạn chế trong thời gian vừa qua như việc triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật về chính sách đặc thù
Liên quan đến báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, các đại biểu đánh giá: Trong điều kiện nền kinh tế năm 2022 phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng công tác điều hành ngân sách đã thể hiện sự quyết liệt, linh hoạt, thu ngân sách vượt cao so với dự toán; chi ngân sách cơ bản bảo đảm nhiệm vụ của Nhà nước.

Về xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26.11.2019 của Quốc hội, các đại biểu đề nghị rà soát, xác định đúng đối tượng được xử lý nợ; đối chiếu chính xác số tiền thuế nợ được khoanh, số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tiếp tục xử lý hủy khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định; rà soát, hoàn thiện hồ sơ thực hiện xử lý khoanh tiền thuế nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp theo quy định tại Luật Quản lý thuế…
Thống nhất với đề xuất của các đại biểu trong tổ thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển cho tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng… Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị cần đánh giá tổng thể, điều chỉnh hệ thống pháp luật về chính sách đặc thù; xem xét tăng số lượng Phó Chủ tịch, Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ để thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cũng như đào tạo cán bộ; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…
ĐBQH Hoàng Trung Dũng cũng đề nghị việc phê chuẩn ngân sách hàng năm cần kịp thời hơn. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách Nhà nước và xử lý dứt điểm những trường hợp tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm…