Từ tư duy mới trong công tác quy hoạch
Quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Trong đó, có nội dung: đề cao vai trò trung tâm của ĐBQH; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu ĐBQH; tăng hợp lý số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Đây là cơ sở và là nhiệm vụ chính trị để Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch số 1454- KH/ĐĐQH15 ngày 07.3.2023 triển khai công tác rà soát, bổ sung quy hoạch ĐBQH hoạt động chuyên trách và các chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031 với nhiều điểm mới. Thay vì tập trung và giới hạn nguồn nhân sự chủ yếu trong các cơ quan của Quốc hội và một số địa phương, lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo mở rộng phạm vi tìm nguồn nhân sự quy hoạch từ 120 cơ quan bên ngoài, gồm có các ban, bộ, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy.
Mở rộng chủ thể có quyền phát hiện nhân sự để giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch đã thể hiện tinh thần đổi mới của Đảng đoàn Quốc hội với mong muốn nhận được sự đồng hành của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương trong bước đầu tiên của công tác cán bộ, hướng tới mục tiêu phát hiện cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách và các chức danh ở cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sự hưởng ứng tạo nguồn nhân sự chất lượng
Trên cơ sở văn bản đề nghị của Đảng đoàn Quốc hội, sau một thời gian ngắn triển khai để thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị “động” và “mở” trong công tác quy hoạch, có 104/120 cơ quan giới thiệu 783 người để quy hoạchĐBQH chuyên trách và chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hộinhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031). Đó là nguồn dồi dào để các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc, lựa chọn nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có sở trường công tác phù hợp với lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.
Kết quả về số lượng và chất lượng quy hoạch đã tạo sự chủ động trong công tác cán bộ, tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng bị động và thiếu hụt trong công tác nhân sự tại Quốc hội khi chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ; bảo đảm sự kế thừa và chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ, chuẩn bị nguồn để bổ sung, kiện toàn cán bộ ngay khi có yêu cầu. Đồng thời, góp phần chủ động chuẩn bị trong đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, tạo nguồn phong phú cho công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIV.
Tạo điều kiện chủ động tìm kiếm, lựa chọn nhân sự trình độ, tâm huyết
Bám sát sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và yêu cầu đề ra trong công tác cán bộ, Ban Công tác đại biểu đã chủ động rà soát, cung cấp danh sách đại biểu Quốc hội Khóa XV và cán bộ thuộc diện Đảng đoàn Quốc hội quản lý đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy hoạch nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031 gửi Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội để nghiên cứu và cung cấp nhu cầu, đề xuất nguồn nhân sự bên ngoài các cơ quan của Quốc hội dự kiến giới thiệu quy hoạch.
Bên cạnh công tác quy hoạch, bồi dưỡng, với những hoạt động khác liên quan đến công tác cán bộ như: tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với ĐBQH chuyên trách; tham mưu Đảng đoàn Quốc hội ban hành Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”; tham mưu, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Quốc hội theo Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị… đã thể hiện tính xuyên suốt trong việc thực hiện chức năng của Ban Công tác đại biểu, luôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân sự tham gia hoạt động của Quốc hội.
Kế hoạch số 1454-KH/ĐĐQH15 tạo cơ chế phát huy sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quy hoạch. Từ vai trò, trách nhiệm của cơ quan phát hiện nguồn, cơ quan tham mưu, cơ quan giới thiệu. Trong đó, Tổ Đảng, Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể trực tiếp lựa chọn, trao đổi với nhân sự dự kiến giới thiệu bổ sung quy hoạch và gửi văn bản đến cơ quan nơi nhân sự công tác để lấy ý kiến và tiếp nhận hồ sơ quy hoạch. Điều này thể hiện sự phân cấp của Đảng đoàn Quốc hội tạo điều kiện để các cơ quan chủ động tìm kiếm, lựa chọn nhân sự thật sự có trình độ chuyên môn, tâm huyết, khả năng, uy tín và triển vọng phát triển để giới thiệu quy hoạch cho Quốc hội Khóa XVI, hướng đến mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Bồi dưỡng để định hướng hoạt động nguồn quy hoạch
Chất lượng ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và cán bộ ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hiệu quả xây dựng hệ thống pháp luật. Tiếp nối công tác quy hoạch, việc nâng cao năng lực cho người được quy hoạch ĐBQH nói chung, người được quy hoạch ĐBQH chuyên trách Khóa XVI nói riêng hết sức cần thiết, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo thực hiện để người được quy hoạch nắm bắt tình hình về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có kết quả hoạt động hiệu quả nhất.
Năm 2023, Ban Công tác đại biểu chủ động tham mưu, đề xuất và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách Khóa XVI. Trong đó, tập trung vào nhóm chưa từng là ĐBQH và đang là ĐBQH nhưng không hoạt động chuyên trách. Kế hoạch bồi dưỡng được phân chia theo nhóm đối tượng quy hoạch và theo từng giai đoạn nhằm trang bị, cập nhật và nâng cao nhận thức và kỹ năng của người được quy hoạch.
Theo lộ trình, những người được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trong năm 2022 và 2023 sẽ tham gia bồi dưỡng vào năm 2024, những người được bổ sung vào quy hoạch sau năm 2023 sẽ tham gia bồi dưỡng vào năm 2025. Nội dung các lớp bồi dưỡng được thiết kế dưới dạng chuyên đề, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cần thiết đối với người được quy hoạch ĐBQH chuyên trách, bảo đảm không trùng lặp với các Hội nghị bồi dưỡng dành cho người mới trúng cử ĐBQH và các Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng khác đã phê duyệt và tổ chức từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến hết năm 2023.
Cùng với đó, lựa chọn giảng viên có uy tín, kinh nghiệm công tác trong Quốc hội và các cơ quan dân cử, có kỹ năng trình bày, kết hợp với hoạt động trải nghiệm thực tế tại 1 địa phương hoặc tham dự 1 phiên họp Ủy ban của Quốc hội, bố trí thời gian phù hợp giữa phần thuyết trình chuyên đề với thảo luận, trao đổi… là giải pháp Ban Công tác đại biểu tiếp tục chú trọng để nâng cao công tác bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho cán bộ được quy hoạch.