Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Định Lý Tiết Hạnh:Cần “tấm áo” rộng hơn để TP. Hồ Chí Minh vươn mình lớn mạnh
TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, có vai trò quan trọng trong điều phối chuỗi liên kết giữa các vùng kinh tế, đồng thời cũng là địa phương chịu nhiều tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Vì vậy, việc kịp thời có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của TP. Hồ Chí Minh chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế Vùng và của cả nước. Bên cạnh đó, với những đặc điểm, đặc trưng và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh, nếu tất cả cơ chế, chính sách đều được áp dụng chung giống các địa phương khác sẽ tất yếu phát sinh vướng mắc, hoặc không đủ “lực” để giải quyết, tháo gỡ những "điểm nghẽn" hiện có, đáp ứng được yêu cầu TP. Hồ Chí Minh phải phát triển đột phá. Không những vậy, có thể còn dẫn đến đà phát triển của thành phố dần bị trì trệ, cản trở, cơ hội phát triển dần bị mất đi, khó sẽ chồng khó.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang rất cần “tấm áo” rộng hơn để có thể vươn mình lớn mạnh, thì việc ban hành một Nghị quyết mới với các cơ chế đặc thù vượt trội là hoàn toàn cần thiết.
Nghiên cứu bản dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp này, có thể thấy, điểm nổi bật là các cơ chế, quyết sách không dừng ở mức "thí điểm" mà đã được nâng tầm, cụ thể hóa thành những công cụ pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn để có thể giải quyết tốt hơn những vướng mắc lâu nay của TP. Hồ Chí Minh, như: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và môi trường; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; công tác quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính quyền đô thị hay phương thức phát triển TP. Thủ Đức…
Tôi tin tưởng, với những quy định đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước sẽ thực sự tạo động lực phát triển mới cho TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội):Việc có chính sách vượt trội cần thiết không chỉ với thành phố mà với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước
TP. Hồ Chí Minh vốn năng động, có tốc độ phát triển khá tốt nhưng tăng trưởng vừa qua ở cuối bảng trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này không phải hoàn toàn do năng lực của thành phố, mà có nguyên nhân do TP. Hồ Chí Minh còn bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. Do đó, việc phải có một cơ chế cởi mở để "cởi trói" cho TP. Hồ Chí Minh là cần thiết.
Như chúng ta biết, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh cũng được đưa ra thảo luận trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và chưa được Quốc hội thông qua. Trong khi đó, thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27% ngân sách. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm này bao gồm các cơ chế, chính sách đang được triển khai theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, cũng như một số chính sách đã được cho áp dụng với các tỉnh, thành phố gần đây. Đồng thời, cũng có một số chính sách đang được đưa ra trong quá trình sửa đổi các dự án luật liên quan. Nói cách khác, trong dự thảo Nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa, mà là một khung khổ pháp luật để thành phố "đi trước, hành động trước". Như vậy, TP. Hồ Chí Minh là địa phương được đi trước, trải nghiệm trước các quy định pháp luật này, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho bản thân thành phố.
Tuy đây chưa thực sự là những "viên thuốc" đặc hiệu để phát huy tối đa tiềm năng riêng có của TP. Hồ Chí Minh, nhưng sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của thành phố. Và nếu chúng ta đã nhìn thấy rõ các vướng mắc của thành phố trọng điểm phía Nam này thì nên gỡ trước cho họ. Còn về mong muốn, tôi mong muốn nhiều hơn nữa, vì TP. Hồ Chí Minh là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới.
Chúng ta đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho hệ thống chính trị. Có thể thấy, chính dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, rất cần có một nơi thực sự năng động, thực sự có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng. Chúng ta cần một khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm này.
Tất nhiên, sự đột phá của thành phố sẽ phụ thuộc vào con người và điều kiện khác nữa, nhưng chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý cho phép chính quyền thành phố được triển khai những đột phá này. Hãy cho TP. Hồ Chí Minh được phép thực hiện cơ chế và chủ động triển khai các chính sách, biện pháp mà thành phố tin tưởng sẽ có hiệu quả, thúc đẩy tiềm năng riêng có của mình và chúng ta kiểm soát để bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách minh bạch, công khai với trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Tôi cho rằng, hãy cho TP. Hồ Chí Minh thực hiện những cơ chế tương tự như Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép Chính phủ được chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; và biện pháp nào trái với quy định pháp luật hiện hành sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý. Để được như vậy, thì dự thảo Nghị quyết lần này cần có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho thành phố.
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình): Chú ý nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”
Tôi tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết. Về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”.
Về mặt lý luận, triết lý hiện nay là thúc đẩy các vùng có tiềm năng, lợi thế, khai thác tối đa các ưu điểm để giúp phát triển mạnh mẽ. Qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 và thực tiễn phát triển của TP. Hồ Chí Minh cho thấy còn một số điểm nghẽn, vướng mắc về mặt cơ chế, thể chế và khiến thành phố chưa thể phát triển xứng tầm với tiềm năng. Bên cạnh đó, việc có cơ chế, chính sách đặc thù cũng là mong mỏi không chỉ của cử tri và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh mà còn của người dân cả nước.
Tuy nhiên, theo tôi, điều cần đặc biệt lưu ý là bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết. Cách làm và xây dựng Nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Như vậy, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, không nên quá dàn trải. Nếu nguồn lực bị phân tán thì năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên không hiệu quả. Các giải pháp phải hướng đến những “địa chỉ” cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào; thời gian dự kiến bao lâu; quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Tôi cũng mong nên có giải pháp mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian cũ. Đồng thời, nên hạn chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp. Mặc dù là giải pháp có mục tiêu tốt nhưng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì doanh nghiệp và người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Về cơ chế huy động nguồn lực con người, bên cạnh thu hút nhân tài mới thì cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.
Về cơ chế ưu đãi đầu tư phải thiết kế hết sức khoa học, tránh những cơ chế tương tự như các địa phương khác; tính đến những chính sách toàn cầu mới, như thuế tối thiểu toàn cầu và chuyển đổi xanh, nâng cao tính sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đến cơ chế bền vững, như chuyển giao công nghệ, đào tạo người lao động…