Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, ĐBQH Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo và nhất trí về việc sớm ban hành Nghị Quyết của Quốc hội về nội dung này. Hiện Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc,.. đều đã có những chính sách kịp thời trong bối cảnh quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Nam, đây là cơ hội mới cho các nước tham gia, đặc biệt là các quốc gia đang thu đầu tư nước ngoài như Việt Nam và một số nước trong khu vực tuy nhiên cũng có những thách thức nhất định. ĐBQH Nguyễn Hải Nam cho rằng cần rà soát hệ thống kế toán phù hợp với nhau, ví dụ như năm tài chính kết thúc ở các quốc gia khác nhau, có những quốc gia vào tháng 12, có những quốc gia vào tháng 6. Chính vì vậy cần có sự phù hợp bởi khi nói đến thuế là liên quan đến tờ khai thuế, thời hạn kê khai thuế.
Bên cạnh đó còn các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,…các chuyên gia nhận định sẽ có khoảng 8 luật liên quan đến lĩnh vực này. Nêu ví dụ hiện nay, một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan đã có các chính sách bổ trợ thông qua các ưu đãi về hạ tầng, đào tạo nhân sự, hoặc về nghiên cứu R&D. ĐBQH Nguyễn Hải Nam cho rằng cần phải sớm có những chính sách bổ trợ để vẫn tuân thủ quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD cũng như vẫn đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài.
Góp ý vào dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ĐBQH Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) nhất trí với việc ban hành luật và góp ý về một số nội dung. Tại Điều 8 các hành vi bị cấm, trong đó có khoản 11 “tự ý thay đổi kết cấu,…” đối với vận chuyển, vận tải đây là việc tự thay đổi kết cấu để sử dụng thì đã bị cấm. Trong 1 số trường hợp các loại xe đã “độ” như các loại xe bán tải khi đi kiểm định, chủ phương tiện đều tháo ra và lắp đồ cũ lên xe nhằm vượt qua vòng kiểm định. Từ thực trạng này, cần có chế tài kiểm tra và xử phạt những trường hợp “độ” xe như trên khi lưu thông trên đường và đặt vấn đề về việc kiểm định với các trường hợp này như thế nào, đại biểu Hiệp đặt vấn đề.
Ngoài ô tô, đối với “độ” xe máy, nhiều xe lắp thêm bô hay các phương tiện chiếu sáng bổ sung, theo đại biểu cũng cần có đánh giá khi đưa vào Khoản 11, Điều 8 này.
Đối với Khoản 12, Điều 8 tự ý thay đổi phần mềm điều khiển xe cơ giới, theo ĐBQH có thể hiểu đây là hình thức ngăn ngừa tình trạng các hãng xe đưa các phần mềm can thiệp vào trong để vượt qua đánh giá về tiêu chuẩn khí thải. Bởi trên thế giới, đã có một số hãng xe ở Châu Âu sử dụng nhằm tránh sự phát hiện độ chính xác về khí thải của xe. Trong trường hợp này, tại dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định như vậy là để sử dụng cho đơn vị sản xuất xe, hãng sản xuất xe hay để vào trong phần kiểm định xe cơ giới? ĐBQH Phạm Như Hiệp đặt vấn đề.