Đánh giá kỹ khả năng huy động, bố trí nguồn lực
Tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024), trên cơ sở Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cơ quan soạn thảo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì nghiên cứu, chỉnh lý Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Một số nội dung quan trọng đã được tiếp thu, chỉnh lý như: mục tiêu, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình, một số nội dung cụ thể trong các nội dung thành phần…
Tuy nhiên, một số vấn đề băn khoăn. Trong đó, về kinh phí thực hiện Chương trình, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Xã hội có ý kiến tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện và khả năng giải ngân ở giai đoạn trước; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về vấn đề này, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ cho biết, Chính phủ đã rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng nhóm nội dung thành phần. Tổng mức vốn của chương trình được xác định trên cơ sở tổng hợp kinh phí từ các Bộ, ngành, địa phương, rà soát, đối chiếu khả năng cân đối vốn với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện, xây dựng các nhóm dự án thành phần để xác định nguồn kinh phí hỗ trợ.
Chương trình được thiết kế với 10 nội dung thành phần và có mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi lớn hơn nhiều so với các Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa hoặc Chương trình mục tiêu về văn hóa đã triển khai. Trong Chương trình này, ngoài các nội dung tiếp tục được triển khai ở các Chương trình giai đoạn trước như bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển hệ thống hạ tầng thiết chế văn hóa thì các nhiệm vụ, nội dung mới được đặt ra để phát triển văn hóa trong điều kiện mới được tập trung nhiều hơn như nhân cách văn hóa của con người Việt Nam, công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số...
Chương trình được xây dựng có tính tổng thể để giải quyết các vấn đề tồn tại cũng như tạo cơ sở cho văn hóa phát triển, đạt mục tiêu bảo tồn, khai thác khía cạnh kinh tế và thực hiện các mục tiêu về an ninh văn hóa (xây để chống) trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Cho rằng, tổng mức Chương trình đầu tư lớn nhưng so với nhu cầu thì còn hạn chế, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh ngân sách nhà nước, cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội. Và để Chương trình nếu được Quốc hội thông qua, triển khai đạt mục mục tiêu, các cơ quan cần ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện, sát thực tế, dễ thực hiện, tránh nguy cơ sai sót…
Làm rõ mức độ đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa ngoài nước
Về chủ trương đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, điều này là cần thiết, đặc biệt với các nước có đông người Việt Nam sinh sống và làm việc, học tập. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ quy mô, mức độ đầu tư để bảo đảm tính khả thi, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Tiếp thu ý kiến này, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, về nhu cầu, cơ sở thực tiễn, việc xây dựng Trung tâm văn hóa ở nước ngoài là xu hướng của nhiều nước trên thế giới để thông qua văn hóa và quảng bá hình ảnh quốc gia, khẳng định vị thế và ảnh hưởng quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Việc xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài còn là nhu cầu thực tiễn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế muốn tìm hiểu về Việt Nam; và là một trong những nhu cầu cần thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chương trình đã bổ sung Phụ lục số 10 để làm rõ hơn tình hình hoạt động, vai trò, cơ cấu tổ chức của hai Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào và Pháp.
Chương trình dự kiến đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhu cầu thực tiễn về văn hóa, an ninh, chính trị. Trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ có đánh giá, khảo sát, lựa chọn những địa điểm có tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí khi vận hành.
Do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9, Điều 4, Luật Đầu tư công nên tại Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 13.9.2024, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định đối với nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, cho phép trong giai đoạn 2025 - 2030 nghiên cứu và đưa việc triển khai đầu tư xây dựng mới vào Chương trình giai đoạn 2031 - 2035...
Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều ngày 1.11.