1. Từ mục tiêu đến các kịch bản của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia
Bản đồ bốn nhóm thu nhập bình quân người năm trên thế giới [2] cho thấy quyết tâm của Việt Nam vươn tới thu nhập cao là rất chính đáng.
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra mục tiêu cụ thể [3] :
+ Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
+ Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
+ Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) đưa ra hai kịch bản phát triển mà những chỉ tiêu được ghi lai trong Bảng dưới đây.
Những giả thiết chung cho hai kịch bản: lạm phát (2021-2030) ở mức 3,5%; tốc độ mất giá VND là 1.5%, về dài hạn 3.2%; hệ số ICOR(2021-2030) là 4.9; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 35% GDP là 50 triệu tỷ đồng, với cơ cấu khu vực nhà nước 20%; khu vực ngoài nhà nước 66%, khu vực có vốn nước ngoài 14%. Không có chỉ tiêu đối với chỉ số GNI bình quân đầu người năm.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp QHTTQG nhận định:
“Đối với Kịch bản 1, các điều kiện bên ngoài là không thuận lợi, khả năngtăng trưởng phụ thuộc vào khả năng cải thiện các yếu tố nội tại của nền kinh tế.Tuy nhiên, kịch bản này có tính khả thi khá cao do đòi hỏi đẩy mạnh cải cáchkhông nhiều, cơ bản theo xu hướng đã diễn ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với Kịch bản 2, điều kiện để đạt được kịch bản này là khó khăn hơn,
khả năng đạt được các yêu cầu này là tương đối cao về tăng trưởng TFP, tăng
trưởng năng suất lao động. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế quốc tế cũng cần có
nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích các yếu tố bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế, khả năng xảy ra Kịch bản 2 cũng khá cao.” [4].
2. Mục tiêu di động, một cuộc rượt đuỗi cần sự nỗ lực vượt bậc
Ngân hàng thế giới (WB) phân các nền kinh tế trên thế giới thành bốn nhóm: thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp,thu nhập trung bình cao, thu nhập cao. Tiêu chí phân định là tổng thu nhập quốc gia bình quân người/năm (ký hiệu GNI ng/năm hoặc GNI_cap.) theo giá US$ hiện hành. Có ba ngưỡng phân định bốn nhóm. Các ngưỡng được hiệu chỉnh hàng năm vào tháng 7. Đó là ba mục tiêu di dộng mà các nền kinh tế phấn đấu đạt được và vượt qua.
Năm 2022 để vượt ra khỏi nhóm thu nhập trung bình thấp, được xếp vào nhóm thu nhập trung bình cao thì GNI_ng/năm của một quốc gia phải vượt qua các ngưỡng là 4255 US$ giá hiện hành, và để vượt ra khỏi nhóm thu nhập trung bình cao, tham gia nhóm thu nhập caoGNI_ng/năm phải đạt 13205 US$ [5].
Hình 1 (bên trái) là đồ thị của ba ngưỡng trong giai đoạn (1989-2022), với xu hướng diễn biến tuyến tính cho mỗi ngưỡng.
Đồ thị cho thấy có lúc tăng, lúc giảm nhưng nhìn chung trong 34 năm, xu hướng là các ngưỡng đều tăng. Tốc độ tăng bình quân năm của ngưỡng thu nhập thấp là 14,8 US$, của ngưỡng thu nhập trung bình thấp là 55,3 US$, của ngưỡng thu nhập trung bình cao là 177,9 US$ (US$ giá hiện hành). Tốc độ tăng bình quân của hai ngưỡng sau còn cao hơn, 64,9 và 208,3 US$ trong 6 năm gần đây (2017-2022).
Phấn đấu vượt các ngưỡng thật sự là một cuộc rượt đuổi khắc nghiệt bởi mục tiêu di động. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai và thứ sáu hiện nay là hai trường hợp để tham khảo [6].
Hình 1 (bên phải) là đồ thị của GNI_ng/năm của Việt Nam từ năm 1989 đến 2021, số liệu từ WBD, có đối chiếu với số liệu của TCTK điều chỉnh năm 2010, đồ thị của ngưỡng thu nhập trung bình thấp (mà Việt Nam muốn vượt qua vào năm 2025), của ngưỡng thu nhập trung bình cao (mà Việt Nam muốn vượt qua vào năm 2045).
Trên đồ thị có đường xu hướng tuyến tính của GNI_ng/năm của Việt Nam từ năm 2009 đến 2021 sau điều chỉnh 2010.
Tính toán chỉ ra rằng nếu GNI_ng/năm sau điều chỉnh 2010 sẽ tăng theo xu hướng tuyến tính (ghi trên đồ thị) thì năm 2026 chỉ số này sẽ đạt 4597 US$, khi đó ngưỡng thu nhập trung bình thấp sẽ là 4585 US$. Có nghĩa là với giả thiết này Việt Nam sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình thấp và tham gia nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2026.
Tiếp tục ngoại suy đến năm 2030 cho chúng ta kết quả sau đây:
Ngưỡng TNTB thấp đạt 5304 < GNI_ng/n đạt 5387 < Ngưỡng TNTB cao đạt 14996US$
Bất đẳng thức này chỉ để tham khảo vì ngoại suy cho một thời gian dài không bảo đảm sát với thực tế, và nhất là không tính đến những đổi mới về cơ chế chính sách, quyết tâmvươn lên của cả nước vốn là đặc trưng của dân tộc. Nó chỉ nhắc chúng ta rằng quảng đường sắp tới cần có sự nỗ lực vượt bậc thì Việt Nam mới gia nhập nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
3. Góp ý về các giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia
Việt Nam sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình thấp từ nay đến năm 2030 là khả thi. Vượt vào năm 2025 thì cần tăng trưởng nhanh hơn trong hơn 3 năm còn lại. Nhưng rút ngắn khoảng cách với ngưỡng thu nhập trung bình cao mới là bài toán cốt lõi mà QHTTQG cần đề xuất giải pháp. Xin có mấy góp ý dưới đây.
(1) Giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết.
(2) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế chính sách, điều hành nhạy bén và chính xác.
Để Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập trung bình cao trước năm 2045 rất cần sự quản lý có hiệu quả cao và những đổi mới cần thiết về cơ chế chính sách để đánh thức sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, và sự điều hành nhạy bén, chính xác trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều bất định. Đó là những giải pháp bao trùm.
(3) Triển khai ba mũi đột phá chiến lược đã được nghị quyết
Đảng đã nghị quyết về ba mũi đột phá chiến lược từ Đại Hội XI năm 2011. Vấn đề là triển khai đúng, có hiệu quả (bao gồm vượt qua cục bộ ngành, địa phương, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng)để đánh thức và khai thác tiềm năng của các vùng.
(4) Các giải pháp không tác động tách biệt mà liên hoàn, hệ thống
Báo cáo QHTTQG đề ra 6 nhóm giải pháp. Cần đẩy mạnh nhóm nào thì đề xuẩt giải pháp cho nhóm đó. Tuy nhiên cần nhớ rằng các giải pháp không tác động riêng lẻ mà dây chuyền, trong hệ thống. Tập trung cho các vùng động lực là cần nhưng cũng cần chú ý đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường các vùng khác, đến sự phân hóa vùng. Chính vì lẽ đó cần tối ưu hóa các giải pháp.
(5) Đánh giá đúng mức, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và khắc nghiệt. Miền núi, duyên hải và đông bằng sông Cửu Long là những địa bàn chịu tác động lớn. QHTTQG cần có biện pháp để tăng cường khả năng chống chịu. Những tổn thất được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong GDP.
(6) Cần có giải pháp về nguồn nước xuyên biên giới
An ninh nguồn nước xuyên biên giới là một vấn đề lớn đối với phát triển bền vững của Việt Nam. Đề cập như trong Dự thảo (trang 538-539) là cho lâu dài cho vấn đề phức tạp này [7]. QHTTQG cần đề ra các giải pháp phù hợp với thời kỳ quy hoạch, mà Việt Nam chủ động trên lãnh thổ của mình, khớp với các giải pháp lâu dài. Tham khảo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long [8], [9].
(7) Các giải pháp khoa học công nghệ và nguồn nhân lực
Nội dung này đã được đề cập trong bài viết [10]. Một yêu cầu bức bách là “theo dõi sát khoa học và công nghệ” để triển khai đón đầu các nghiên cứu có mục tiêu, kịp thời đổi mới công nghệ, áp dụng vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường. Chuỗi “đào tạo - sử dụng - phát huy - gìn giữ và thu hút nhân tài” là cần thiết để nguồn nhân lực đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
(8) Đổi mới cơ chế, chính sách có ý nghĩa quyết định
Một trong những yếu tố thành công hiện nay của Việt Nam là kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách để ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19 và những tác động từ cục diện thế giới. Hệ thống hóa, lựa chọn và đổi mới các cơ chế chính sách đòn bẩy, các cơ chế chính sách nền cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đó là bài học từ Đổi Mới năm 1986 mà dấu ấn qua số liệu thống kê, đặc biệt về GDP, là rất rõ ràng.
(9) Tiết kiệm thời gian, chạy đua với thời gian.
Thời kỳ quy hoạch là 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Gần 2 năm trên 10 năm của thời kỳ quy hoạch đã trôi qua. Phải chạy đua với thời gian để đạt mục tiêu ở ba mốc thời gian 2025, 2030 và 2045, nhớ rằng các ngưỡng cần vượt cũng chuyển động theo xu hướng nâng cao. Cũng nhớ rằng thời kỳ cơ cấu dân số vàng là có hạn. Quý trọng, tiết kiệm và chạy đua với thời gian trong cuộc rượt đuỗi ngưỡng mà chúng ta phải đến đích trong thời hạn đã hẹn.
(10) Về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch [11]
(a) “Công bố và cung cấp thông tin quy hoạch”là cần, nhưng Khoản 4, Điều 4 của Luật Quy hoạch quy đinh “sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân” không phải chỉ trong thực hiện Quy hoạch.
(b) “Xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch” cần bao nhiêu thời gian sau khi QHTTQG được phê duyệt?
(c) “Tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia”. Dự thảo viết: “Sau khi QHTTQG được quyết định, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức lập các quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với QHTTQG; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh đã được quyết định, phê duyệt nếu chưa phù hợp với QHTTQG”.
Công việc này cần bao nhiêu thời gian? Trong thời gian rà soát điều chỉnh cho phù hợp (là bao lâu?) việc triển khai QHTTQG sẽ tiến hành ra sao?
(d) “Đánh giá thực hiện quy hoạch”. Dự thảo viết: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đánh giá thực hiện QHTTQG theo định kỳ hàng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo quy định và trình Chính phủ báo cáo đánh giá quy hoạch. Trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo Quốc hội”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng QHTTQG. Đồng thời là cơ quan đánh giá việc thực hiện, liệu có bảo đảm yêu cầu về tính khách quan cần thiết hay không?
__________
[1] Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội.
[2]GNI per capita, Atlas method (current US$) | Data (worldbank.org)
[3]Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (baochinhphu.vn)
[4]Báo cáo tổng hợp, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, Tầm nhìn đến năm 2050, Phụ lục III, Các kịch bản phát triển, trang 375 phiên bản tháng 7/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội.
[5]New World Bank country classifications by income level: 2022-2023
[6] Trung Quốc vượt ngưỡng thu nhập thấp, vào nhóm thu nhập trung bình thấp năm 1998, ngưỡng năm này là 760 US$. Năm 2010, TQ vượt ngưỡng thu nhập trung bình thấp, khi đó là 3975 US$. Năm 2021, mặc dù GNI_cap đạt 11980 US$, TQ vẫn chưa vượt ngưỡng thu nhập trung bình cao, 12375 US$. Năm 2022 TQ sẽ vào nhóm thu nhâp cao nếu vượt ngưỡng 13205 US$.
Ấn Độ vượt ngưỡng thu nhập thấp năm 2009 khi đó là 995 US$. 12 năm sau, năm 2021, GNI_cap của Ấn Độ đạt 2170 US$ trong khi ngưỡng thu nhập trung bình thấp là 4095 US$.
Để nhớ: Nền kinh tế của Trung Quốc hiện đứng thư 2 trên thế giới sau Hoa Kỳ. Nền kinh tế Ấn Độ đứng thứ 6, sau Anh và trước Pháp.
[7] Tham khảo bài tham luận về sông Mekong, The Mekong river is international and indivisible (vnulib.edu.vn)
[8] Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
[9]Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhận xét và kiến nghị (vnulib.edu.vn)
[10] https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/vi-tri-cao-nhat-va-yeu-cau-de-quy-hoach-datmuc-tieu-i298789/?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo
[11] Xem tài liệu đã trích dẫn ở phụ chú 3, trang 539 – 542.