Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải đánh giá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng trong năm 2023, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt tới 93% kế hoạch. Trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là đột phá rất quan trọng, nổi bật là Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, cả nước đồng loạt khởi công các dự án đường cao tốc và các dự án quan trọng quốc gia. Đến nay, đã có trên 2.000km đường cao tốc hoàn thành đưa vào sử dụng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đều có bước phát triển. Quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định. Công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả nổi bật, ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Theo ĐBQH Mai Văn Hải, chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, bất cập từ việc tiếp cận đất đai và tiếp cận vốn vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đến nay, mới giải ngân được 640 nghìn tỷ cho 8 chủ đầu tư và 6 tỷ cho người mua nhà tại 3 dự án. Điều này cho thấy việc giải ngân vốn vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là rất khó khăn.
Nguyên nhân của vấn đề nêu trên theo đại biểu Mai Văn Hải là do thủ tục pháp lý phức tạp, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn; vốn đầu tư lớn, lợi nhuận từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bị khống chế, không cao, thời gian triển khai kéo dài, rủi ro trong đầu tư cũng nhiều nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nhà ở xã hội. Một nguyên nhân khác còn do nhu cầu, điều kiện khả năng mua nhà của người lao động có thu nhập thấp ở mỗi nơi khác nhau.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh việc nhà đầu tư, người mua nhà ở xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu sớm được tiếp cận gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cần xem xét chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội...
Liên quan đến kết quả rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu cho rằng, việc xử lý công sở dôi dư của các xã, đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập còn nhiều vướng mắc; nhiều công sở để hoang xuống cấp gây lãng phí, cử tri cũng còn nhiều ý kiến. Đây không phải vấn đề mới nhưng gặp không ít vướng mắc rất cần Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là các bệnh viện tuyến huyện; một số đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, báo chí... ở các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm xem xét sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ. Cần xác định những đơn vị mang tính chất phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu để Nhà nước có cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, bố trí ngân sách phù hợp bảo đảm kinh phí hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập nêu trên.