Cuối năm ngoái, Thủ tướng Abe đã yêu cầu Nghị viện Nhật Bản thông qua một đạo luật nhằm tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh. Mới đây, trong bài phát biểu trước Nghị viện, Thủ tướng Shinzo Abe lại một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ lớn nhất của Chính phủ trong chính sách đối nội là cải cách giáo dục trên cơ sở củng cố tinh thần yêu nước cho học sinh. Điều 2 của Luật về lòng yêu nước quy định trường học có trách nhiệm giúp học sinh biết tự hào về truyền thống, văn hóa Nhật Bản, yêu gia đình và đất nước. Mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài có trách nhiệm khiến công dân các nước khác nể trọng. Theo ông Abe, củng cố chủ nghĩa yêu nước là bước đi mở đường cho việc sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, tạo dựng nên hình ảnh mới về nước Nhật – quốc gia tươi đẹp.
Bên cạnh đó, chương trình cải cách giáo dục còn được thúc đẩy nhờ việc thông qua những đạo luật như đổi mới bằng cấp của giáo viên; Củng cố vai trò giám sát của chính phủ với Bộ Giáo dục và đặt ra chức danh tổng giám thị trong các trường học. Chính phủ cũng sẽ xem xét việc tăng cường giảng dạy các môn khoa học và đạo đức, nâng cao trình độ tiếng Nhật cho mỗi học sinh, cân đối lại thời gian biểu và chương trình học cho học sinh nhằm giúp các em giảm bớt áp lực trong học tập, một trong những vấn đề nhức nhối nhất của ngành giáo dục Nhật Bản. Tình trạng này đã gây ra những hậu quả xã hội đáng báo động. Trong vài tháng cuối năm 2006, Nhật Bản đã xảy ra một loạt vụ học sinh tự tử tập thể do áp lực tại trường học, gồm cả áp lực trong bài vở cũng như áp lực trong mối quan hệ với bạn bè. Tình trạng học sinh bỏ học trên lớp để tập trung vào một số môn phục vụ thi đại học cũng rất phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Abe cho rằng ngoài việc giảm tải chương trình học tập và thi cử, cân đối lại thời lượng và dung lượng các tiết học ở trường, còn phải tạo ra một cơ chế liên hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, giữa giáo viên và phụ huynh học sinh.
Ngoài ra, trước tình trạng học sinh Nhật Bản có xu hướng lơ là các môn khoa học cơ bản, Chính phủ đã quyết định tăng cường các tiết dạy của các bộ môn khoa học hàn lâm như toán học, vật lý, hóa học... Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki cho rằng quyết định trên hoàn toàn không mâu thuẫn với chính sách trước đó của Chính quyền Koizumi có tên Yutori kyoiku. Chính sách Yutori kyoiku cho phép học sinh được nghỉ 2 ngày cuối tuần để tự học. Biện pháp này nhằm khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, dần dần thay đổi phương thức giáo dục theo kiểu học thuộc học vẹt trước kia. Ông Yasuhisa Shiozaki nhấn mạnh những biện pháp cải cách của Thủ tướng Abe không mâu thuẫn hay phủ nhận chính sách cũ mà chỉ nhằm điều chỉnh nó theo hướng cân đối và hợp lý hơn. Theo ông, việc giúp các em củng cố hệ thống kiến thức cơ bản chính là giúp các em có cơ sở để sáng tạo và phát huy sở trường.
Đặt trọng tâm chính sách đối nội vào cải cách giáo dục, rõ ràng Chính phủ của Thủ tướng Abe đã nhận thức được rằng giới trẻ chính là tương lai của đất nước. Giới trẻ có giỏi giang, yêu nước, tự hào về dân tộc thì giới trẻ đó mới có thể lao động và cống hiến hiệu quả cho đất nước. Tất nhiên, để chương trình cải cách giáo dục của Chính phủ thành công, đòi hỏi không ít thời gian và công sức. Nhưng đó là trách nhiệm của Chính phủ và của toàn xã hội Nhật Bản.
Hoa Chi