Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến do Trường Đại học Hà Nội đăng cai cùng sự phối hợp tổ chức của Trường Đại học Thương mại và Học viện Chính sách và Phát triển.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm về phát triển những chuyên ngành đào tạo tại các trường đại học có mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại Hà Nội cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu phục vụ về chuyển đổi số, kinh tế số nên mở rộng và cải tạo nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Hội thảo lần này không chỉ nhằm mục đích ứng dụng công cụ định lượng trong giảng dạy mà còn thúc đẩy nghiên cứu khoa học giữa các giảng viên và sinh viên, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Phổ biến các phương pháp nghiên cứu định lượng có thể áp dụng cho các chuyên ngành kinh tế - xã hội.
Hội thảo cũng là nơi trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu, kinh nghiệm giữa các chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp về phát triển các công cụ định lượng trong giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chú trọng nội dung xây dựng phát triển các chuyên ngành đào tạo tại các trường đại học nhằm đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số quốc gia".
Phó Hiệu trưởng Lương Ngọc Minh mong rằng, sau Hội thảo lần này, Ban Tổ chức có thể mở rộng hợp tác với một số trường kinh tế trong nước và các trường đại học tại Châu Âu và Châu Á để các Hội thảo tiếp theo được phong phú hơn.
TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển khẳng định: “Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học trẻ, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu mới của mình trong lĩnh vực định lượng, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị và các thành viên tham gia. Kết quả Hội thảo tiếp tục khẳng định sự tin cậy về mặt học thuật giữa các đơn vị tổ chức Hội thảo”.
TS. Nguyễn Thế Hùng tin tưởng rằng, Hội thảo này sẽ phát triển thành một sự kiện thường niên, có uy tín, thu hút được nhiều cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp tham gia.
Hội thảo “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần thứ 2” diễn ra với 01 phiên toàn thể và 03 phiên song song. Tại phiên toàn thể có 02 báo cáo được trình bày bởi GS.TS David (Đức) Trần - hiện là Giáo sư ngành Khoa học máy tính tại Đại học Masachusettes, Mỹ và PGS.TS Nguyễn Việt Anh - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, Trưởng phòng Khoa học dữ liệu thuộc Viện công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
GS.TS David (Đức) Trần đã trình bày về ứng dụng của công nghệ chuỗi khối trong các lĩnh vực kinh tế và nhấn mạnh vai trò của công nghệ chuỗi khối trong chuyển đổi số. Khi sử dụng hệ thống tự động thì có thể kiểm tra và minh mạch thông tin trong quá khứ thông qua hệ thống.
PGS.TS Nguyễn Việt Anh đã trình bày về trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai của nền kinh tế, các ứng dụng của AI trong các lĩnh vực y tế, xã hội, kinh tế, với tỷ trọng ngày càng tăng. PGS nhấn mạnh “Người thắng cuộc là người làm chủ được các nguồn dữ liệu lớn, làm cho sản suất và cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn qua trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác”.
3 phiên song song với các báo cáo liên quan tới chủ đề: “Phân tích định lượng nghiên cứu kinh doanh, kinh tế xã hội trong môi trường số”; “Phân tích định lượng: kỹ năng cần thiết cho nhân lực ngành kinh tế số”; “Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh”...
14 báo cáo được trình bày tại Hội thảo được đánh giá được chuẩn bị chu đáo, có giá trị về nội dung học thuật, đa dạng hóa các công cụ mô hình và có ý nghĩa thực tiễn. Các bài báo cáo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm giúp các nhà khoa học phát triển những hướng nghiên cứu tiếp theo.