Theo đó, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện, với điểm số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Các tỉnh nhóm cuối cũng đang vươn lên mạnh mẽ do tích cực học hỏi, áp dụng những bài học từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 đều có cải thiện so với năm 2022. Chi phí không chính thức cũng tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, trong khi các năm 2015 - 2016, tỷ lệ này lên tới 66% và kỷ lục 70% vào năm 2006 - khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.
Thủ tục gia nhập thị trường cũng thuận lợi hơn. Cải cách thủ tục hành chính cũng có những bước tiến đáng kể khi có khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống.
Dù vậy, báo cáo PCI cũng chỉ ra những hạn chế. Đó là trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Còn nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu…
Có thể thấy, cùng với việc chỉ rõ những tồn tại, Báo cáo đã ghi nhận những chuyển biến tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những “dữ liệu thô”, mục tiêu chính mà các địa phương phải hướng đến chính là thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, thân thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
Thực tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh luôn là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của Chính phủ. Và định hướng hiện nay của Chính phủ cũng là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Để thực hiện được điều này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều biến động khó lường như hiện nay thì chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng.
Bởi Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã từng phát biểu rằng, việc tăng cường minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành thời gian qua.
Quan trọng hơn, việc công bố PCI còn thể hiện bước chuyển tư duy đó là các doanh nghiệp - trong tư cách thụ hưởng các dịch vụ hành chính công có quyền, trách nhiệm đánh giá chất lượng dịch vụ. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị, yêu cầu chính quyền địa phương phải lắng nghe và có hành động đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.