Đoàn ĐBQH Cần Thơ : Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm

- Thứ Hai, 25/10/2021, 12:42 - Chia sẻ
Sáng 25.10, tại điểm cầu Cần Thơ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa đã chủ trì phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
	Đoàn Đại biểu quốc hội TP Cần Thơ góp ý dự thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sừa đổi)
Đoàn Đại biểu quốc hội TP Cần Thơ góp ý dự thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Đống góp ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển thị trường bảo hiểm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị giải thích thêm từ ngữ bảo hiểm qua biên giới, bảo hiểm tử kỳ tại Điều 4 vì nội dung bảo hiểm qua biên giới được quy định tại khoản 1, Điều 7 và khoản 2 Điều 151, nội dung bảo hiểm tử kỳ được quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 67 của dự thảo Luật trong khi phần giải thích từ ngữ lại không đề cập vấn đề này.

Theo Điều 10 dự thảo Luật, các hành vi như “xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm…” sẽ bị nghiêm cấm, tuy nhiên, trong thực tế có một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện việc quảng bá, giới thiệu về bảo hiểm dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin qua tin nhắn, điện thoại. Việc này diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời gian qua đã gây phiền hà cho nhiều người. Do đó, các đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. 

Các nội dung liên quan đến việc “bảo đảm huy động được nguồn lực từ kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ" sẽ được điều chỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2018/ND-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần sửa nội dung điều chỉnh danh mục cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc từ “cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ” thành “cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy” để tăng số lượng mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và tăng số trích phí bảo hiểm bắt buộc về tài khoản Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phù hợp với từng loại hình, quy mô cơ sở, quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm.

Vũ Châu