Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội KHoá XV, góp ý về dự kiến các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2024, đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ đồng tình với dự kiến 2 chuyên đề giám sát chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các nghị quyết về chính sách phục hồi kinh tế - xã hội và một số dự án công trình quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát về trật tự, an toàn giao thông, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng... “Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự kiến các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2024. Do vậy, thay vì tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề, có thể để các Ủy ban của Quốc hội, trong quá trình thẩm tra các dự án luật này tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn để sửa đổi trực tiếp các quy định trong các luật tương ứng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu lý giải.
Bên cạnh hai chuyên đề đã lựa chọn, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm chuyên đề giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các luật, nghị quyết của Quốc hội từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay…
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, có 3 lý do:
Thứ nhất, để phục vụ cho việc tin học hoá, chuyển đổi số, kể từ năm 2013 đến nay, trong rất nhiều đạo luật có các quy định về xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… “Chỉ riêng trong kỳ họp này, chúng tôi thống kê có hơn 85% tổng số các dự án luật được cho ý kiến hoặc thông qua có những quy định về việc xây dựng, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Ví dụ như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về hợp tác xã; cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; hệ thống thông tin quốc gia về thị trường bất động sản; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia… Chúng tôi nhất trí với các quy định này vì đây là các cơ sở quan trọng để tạo nền tảng phục vụ cho việc chuyển đổi số quốc gia”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc thực hiện các quy định này đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, có tính chuyên môn, kỹ thuật cao; nếu không được triển khai thực hiện và giám sát phù hợp có thể dẫn đến việc lãng phí nguồn lực.
Thứ hai, qua theo dõi thực tiễn triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong thời gian vừa qua cho thấy còn có những tồn tại nhất định… Cụ thể, có tình trạng trùng lắp giữa các cơ sở dữ liệu. Ví dụ như hiện tại, theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thì đã có Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đang được Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý, vận hành tương đối tốt; nhưng bên cạnh đó còn có Cơ sở dữ liệu về công báo cũng bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này vừa có thể dẫn đến sự lãng phí, vừa tạo sự lúng túng cho người dân khi tra cứu.
Bên cạnh đó, một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được xây dựng nhưng tính cập nhật hoặc hiệu quả sử dụng không cao… Chẳng hạn như năm 2020, Cổng dữ liệu mở quốc gia được khai trương, nhưng cho đến nay dữ liệu ở đây vẫn chủ yếu là dữ liệu năm 2020.
Hoặc có những hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được chúng ta đầu tư xây dựng tương đối tốt, nhưng hiệu quả sử dụng của người dân không cao. Cụ thể, mới đây, Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (tức là báo cáo PAPI 2022) cho biết tỷ lệ người dùng có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giảm từ 16% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022. Trong khuôn khổ nghiên cứu của báo cáo này thì trong số những người được hỏi thì chỉ có 4,85% người trả lời cho biết có sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tức là trong 100 người dân thì chỉ có khoảng 5 người biết đến Cổng dịch vụ công trực tuyến… “Như vậy, rõ ràng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.
Thứ ba, hiện nay là thời điểm phù hợp để Quốc hội giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Cho đến nay, công cuộc tin học hoá, chuyển đổi số ở Việt Nam đã được thực hiện trong một thời gian dài nhưng Quốc hội chưa thực hiện việc giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.
Trong khi đó, Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ này cũng đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể về phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số với kỳ vọng rất lớn. Do vậy, việc tiến hành chuyên đề giám sát này sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Bên cạnh hoạt động giám sát, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc xây dựng các quy định liên quan đến việc xây dựng, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các dự thảo luật (tức là các hoạt động có tính tiền kiểm).
“Hiện nay, thực trạng là có những dự thảo luật có những quy định rất cụ thể về việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu như dự án Luật Đất đai, Luật Căn cước công dân… Nhưng cũng có những dự án luật quy định rất đơn giản, chỉ dừng lại ở việc là giao trách nhiệm cho các cơ quan xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu mà không rõ đó là những dữ liệu gì, ai có trách nhiệm cung cấp dữ liệu, các dữ liệu được sử dụng như thế nào?”, đại biểu phân tích thêm.
Trên cơ sở đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: Trong quá trình thẩm định, thẩm tra các dự án luật, đề nghị trong hồ sơ xây dựng luật, cần có ý kiến thẩm định chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông về các nội dung liên quan, tương tự như trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm tương ứng của từng bộ đối với nội dung của dự án luật… “Điều này sẽ giúp cho việc xây dựng thể chế về các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo đảm có tính thống nhất, hiệu quả, tránh trùng lặp”, đại biểu nêu rõ.