Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Bổ sung các khái niệm về "bảo hiểm qua biên giới"

- Thứ Hai, 25/10/2021, 18:41 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Các đại biểu cho rằng để bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định và hợp lý về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với các doanh nghiệp khác cần tiếp tục rà soát các quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp trong dự thảo Luật; giải trình rõ hơn về những nội dung cần quy định đặc thù, khác với quy định của Luật Doanh nghiệp; làm rõ những nội dung nào được áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, những nội dung nào áp dụng riêng cho Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động sau khi thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản ở giai đoạn sau khi quyết định mở thủ tục phá sản là chưa phù hợp, khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động được trong giai đoạn này. Dẫn chứng theo quy định tại Luật Phá sản 2014 thì khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở thủ tục phá sản, thì tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến trước khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát của Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Vì vậy, các ý kiến đề nghị sửa đổi lại quy định trên theo hướng thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động sau khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm phá sản.

Đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm cần bổ sung Khoản 1 Điều 7 của Luật Kinh doanh bảo hiểm về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiêm. Theo đó, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.

Đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu  Quốc hội Lê Thanh Phong, Chánh án Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận

Theo ông Lê Thanh Phong, Điều 4 về giải thích từ ngữ thì không có khái niệm bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới. Do vậy, cần bổ sung các khái niệm bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới để phù hợp với thông lệ một số luật kinh doanh bảo hiểm trên thế giới và đảm bảo tính đồng bộ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong các trường hợp có liên quan bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm giới biên giới.

“Nếu bổ bổ sung vấn đề khái niệm bảo hiểm qua biên giới thì dự thảo Luật cần sung thêm các quy định liên quan nhằm bảo đảm tính pháp lý đồng bộ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới”, đại biểu Lê Thanh Phong nhấn mạnh.

Đa số ý kiến cho rằng để bảo đảm tính minh bạch và tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, cần rà soát thận trọng các quy định có liên quan của Luật Phá sản, chỉ rõ khi thực hiện thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thì sẽ áp dụng Điều 103 của dự thảo Luật thay thế những quy định cụ thể nào về thủ tục phá sản trong Luật Phá sản. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về sự cần thiết của các quy định này, tránh tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản, bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về việc khôi phục hiệu lực bảo hiểm đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các đại biểu cho rằng với tính chất của ngành nghề kinh doanh bảo hiểm thì việc pháp luật chưa có các quy định cụ thể và rõ ràng về các trường hợp cho phép bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã và đang gây ra rất nhiều những khó khăn cho cả doanh nghiệp bảo hiểm trong việc bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm.

Theo các đại biểu, thực tế, trong nhiều trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt do bên mua bảo hiểm đóng trễ phí nhưng chưa phát sinh sự kiện bảo hiểm. Trường hợp này, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đều có nhu cầu khôi phục lại hiệu lực hợp đồng bảo hiểm thay vì ký kết hợp đồng mới.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm được thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm và quy định cụ thể các điều kiện khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng trễ phí bảo hiểm mà chưa phát sinh sự kiện bảo hiểm.

Đắc Trường