Dữ liệu của IDEA Quốc tế cho thấy, một phần ba số quốc gia, tiểu bang và vùng lãnh thổ trên thế giới không cung cấp bất kỳ phương pháp bỏ phiếu đặc biệt (SVA) nào cho cử tri trong nước: cụ thể, 14% quốc gia châu Âu chỉ sử dụng các phương pháp bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu truyền thống, và đây cũng là châu lục có số quốc gia áp dụng phương pháp truyền thống thấp nhất. Tiếp theo là châu Đại Dương (22%) và châu Á (23%); ở châu Phi, tỷ lệ này cao hơn đáng kể, mức 44%; tỷ lệ cao nhất, với 52% ở châu Mỹ và khi khảo sát 20 quốc gia của châu Mỹ Latin, tỷ lệ này lên tới 75%.
Thông thường, bỏ phiếu truyền thống xoay quanh ba câu hỏi: Thứ nhất, bỏ phiếu như thế nào: đó là yêu cầu sự hiện diện về mặt vật lý của những nhân tố bầu cử, và điều này đòi hỏi sự tiếp xúc, tương tác của tất cả những người tham gia vào quá trình bỏ phiếu, bao gồm cử tri, nhân viên phòng phiếu, ứng cử viên và đại diện đảng ứng cử, giới truyền thông, quan sát viên bầu cử và lực lượng an ninh. Thứ hai, bỏ phiếu ở đâu: đưa ra yêu cầu về một không gian cụ thể, nơi có các quy trình hành chính, thủ tục khác nhau liên quan đến hành động bỏ phiếu ở một địa điểm cụ thể - còn được gọi là điểm bỏ phiếu. Thứ ba, là bỏ phiếu khi nào: đưa ra yêu cầu về một khoảng thời gian được quy định hợp pháp để việc bỏ phiếu bắt đầu, được tiến hành và kết thúc, hay còn được gọi là Ngày bầu cử.
Một cuôc bầu cử địa phương ở Ấn Độ bảo đảm giãn cách xã hội do đại dịch |
Ba yêu cầu này mang lại cho phương pháp bầu cử truyền thống tính toàn vẹn không thể phủ nhận, mà ngày nay vẫn là “tiêu chuẩn vàng” trong thực tiễn bầu cử ở các quốc gia; đồng thời cũng là phương pháp được áp dụng chính trong các cuộc bầu cử dân chủ trên toàn cầu. Từ góc độ quản lý bầu cử, bỏ phiếu truyền thống đã tỏ ra tối ưu vì cho phép cơ quan bầu cử có thể kiểm soát an ninh, ngăn chặn mọi hành động gian lận chẳng hạn như mua phiếu bầu, ép buộc cử tri, giả mạo thùng phiếu... Phương pháp này được coi là bảo đảm mức độ bảo mật, minh bạch cao cũng như bảo đảm tính toàn vẹn về thủ tục cho tất cả các bước của quy trình bỏ phiếu.
Bên cạnh tính toàn vẹn về thủ tục, phương thức bỏ phiếu trực tiếp tại điểm bỏ phiếu cũng củng cố sự tham gia chính trị của cá nhân và tập thể. Ngày nay, bỏ phiếu truyền thống tiếp tục giữ một giá trị xã hội mạnh mẽ, được coi là một nghi thức xã hội, qua đó các cử tri, vào ngày bầu cử, với quyền lực của lá phiếu của mình, có mặt tại các điểm bỏ phiếu để xác định ai nên hoặc không nên tiếp tục đại diện cho họ trong các thể chế quản trị.
Tuy nhiên, bất chấp giá trị xã hội mạnh mẽ và tính toàn vẹn thủ tục của bỏ phiếu truyền thống, Covid-19 đã nhanh chóng chứng minh phương pháp này còn nhiều hạn chế bởi nhiều lý do, đặc biệt là khó có thể bảo đảm quyền của cử tri trong một thế giới mà di cư trở nên phổ biến.
Một trong những hạn chế chính của phương pháp bỏ phiếu truyền thống là thông thường, các yêu cầu về sự hiện diện vật lý, không gian hoặc thời gian của phương pháp này vô hình trung tước quyền của những cử tri mà vì bất kỳ lý do gì không thể có mặt tại điểm bỏ phiếu được chỉ định của họ vào ngày bầu cử. Mặc dù một số quốc gia, tiểu bang và vùng lãnh thổ có cho phép áp dụng các hình thức bỏ phiếu đặc biệt (SVA) nhưng hầu hết chúng hiện chỉ dành cho một số ít nhóm cử tri đặc biệt chẳng hạn như người khuyết tật; hoặc một số nước là áp dụng cho nhân viên Chính phủ, quân nhân hoặc cử tri cư trú ở nước ngoài.