Nguyên tắc xây dựng luật
Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Nhật Bản, được ban hành năm 1970 và thi hành năm 1971, đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Nó tập trung vào các khía cạnh chính gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước, quy định về phát thải, và kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm. Điều này bảo đảm rằng nước được sử dụng cho các mục đích công cộng là an toàn và không gây hại đến sức khỏe con người. Các doanh nghiệp và nhà máy có trách nhiệm bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi xả thải, thúc đẩy trách nhiệm xã hội và bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân.
Trong nguyên tắc xây dựng luật, tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước được coi là mục tiêu quan trọng đối với quản lý nhà nước, được quy định áp dụng đồng bộ cho mọi nguồn nước công cộng, đồng thời được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ao, hồ, sông. Ngoài ra, ô nhiễm nước được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế ô nhiễm, nhằm kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm vào nước và bảo vệ chất lượng nước. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giám sát tình trạng ô nhiễm nước, có kế hoạch đo lường và công bố kết quả hàng năm. Luật quy định các thống đốc tỉnh đề ra một số tiêu chuẩn nước thải, thậm chí tùy thuộc vào tình trạng ô nhiễm nguồn nước của mỗi khu vực mình quản lý và giám sát. Từ các quy định vùng sẽ thiết kế quy định chung cho toàn quốc. Thống nhất các tiêu chuẩn nước thải quốc gia cho các đối tượng khác nhau.
Trong phạm vi của luật, mặc dù Bộ Môi trường thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước mặt và nước ngầm, được áp dụng cho thủy vực công cộng, bao gồm nước biển, sông và hồ quốc gia, song chính quyền địa phương tại một số vùng có thể đề ra được những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn cả tiêu chuẩn quốc gia dành cho thủy vực địa phương, ví dụ như vùng vịnh Tokyo, Ise hay biển nội địa Seto nhằm bảo vệ nguồn nước của mình.
Trong khi đó, các biện pháp cải thiện chất lượng nước có thể được phân thành 2 loại: Một là những biện pháp giảm lượng phát thải ô nhiễm tại vùng nước (biện pháp nguồn phát thải); Hai là những biện pháp lọc ngay tại khu vực ô nhiễm nước đang tiến triển và lọc tải lượng ô nhiễm đã được thải ra trong vùng nước đối tượng (biện pháp lọc trực tiếp). Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải mà trong đó có quy định về nồng độ tải lượng ô nhiễm chứa trong nước thải. Nước thải công nghiệp từ các nhà máy, cơ sở kinh doanh hay các trại chăn nuôi quy mô lớn được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải.
Nói chung, Nhật Bản kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm, mục đích là bảo vệ chất lượng nước tương ứng với tình hình sử dụng nước của vùng nước.
Đề cao vai trò của cộng đồng và đưa ra hình phạt có tính răn đe
Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công dân và các tổ chức xã hội được khuyến khích tham gia các hoạt động tình nguyện và cam kết thực hiện hoạt động bảo vệ tài nguyên nước theo kế hoạch đề ra. Giảm thiểu được nguồn thải từ các hộ dân cư cũng như đóng góp một phần lớn trong việc thực hiện tốt Luật Kiểm soát ô nhiễm nước. Mặc dù vậy, chính quyền trung ương hiện chưa có những hình phạt cụ thể nào liên quan đến việc xả nước thải từ các hộ dân mà chỉ tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức bảo vệ nguồn nước. Ngược lại, các nhà máy và các cơ sở thương mại xả thải phải đo tỷ lệ ô nhiễm của lượng nước thải và lưu giữ số liệu đo lường, tuân theo chỉ dẫn ban hành của Bộ Môi trường.
Thực tế, luật quy định khá chặt chẽ và nghiêm minh về những hình phạt mà người vi phạm phải gánh chịu. Đó có thể là hình phạt tù lao động bắt buộc hoặc phạt tiền, nhưng cao nhất không đến 1 năm hoặc quá 1 triệu yen. Đặc biệt, trong trường hợp người đại diện của một công ty, hoặc đại lý, nhân viên hoặc người lao động khác của một công ty hoặc một cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty hoặc cá nhân, không chỉ người phạm tội mà cả tập đoàn hoặc cá nhân đều phải chịu hình phạt tiền theo quy định…
Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Nhật Bản không chỉ là hệ thống quy định chặt chẽ mà còn là mô hình quản lý môi trường hiệu quả. Việc áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và kết hợp sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp đã mang lại nhiều thành tựu đáng chú ý trong việc bảo vệ nguồn nước quý báu của đất nước. Luật chỉ là tài liệu pháp lý, mà còn là biểu tượng cho cam kết của Nhật Bản về môi trường sống lành mạnh và bền vững.