Tại buổi Toạ đàm "Ngành y vượt khó", do cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23.2, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa ra hàng loạt khó khăn về cạn kiệt vật tư y tế và đồng thời khẩn cấp xin Bộ Y tế “cấp cứu”.
Nhiều phương án đều tắc
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết:trong năm 2022, sau đại dịch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện số lượng khám chữa bệnh, mổ xẻ, điều trị với hơn 79.000 ca mổ. Có thể nói đó là khối lượng công việc rất lớn, không có nhiều bệnh viện trên thế giới có thể làm được.
Số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị rất nhiều trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang hết sức vướng mắc.
Hiện tại không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh.
Các bệnh viện lớn trên toàn quốc đã gần hết vật tư y tế, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.
GS.TS. Trần Bình Giang dẫn chứng, tại Bệnh viện Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường.
Lý do mà GS Giang đưa ra là hiện nay là những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại Bệnh viện làm. Từ năm 2015, bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại bệnh viện đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng) rất khó khăn.
Từ năm 2015, bệnh viện được đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam.
Thế nhưng đến năm 2022 lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn.
Sau đó, Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5.11.2022. Chính vì vậy bây giờ bệnh viện không còn hóa chất để làm.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Trong Luật Khám chữa bệnh có rất nhiều điều đưa ra để có thể gỡ khó nhưng cũng có nhiều điều trong đó quy định rằng việc thực hiện giao cho Chính phủ cụ thể hóa. Luật sẽ có hiệu lực từ 1.1.2024 nhưng chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng nữa, không biết liệu những điều luật ấy có được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống từ ngày 1.1.2024 được hay không. Đó là điều tôi rất lo lắng”.
GS.TS. Trần Bình Giang cho biết, bệnh viện đã đặt ra những phương án:
Phương án 1, chấp nhận mua máy để làm nhưng thời gian để mua được máy thì đấu thầu theo quy trình cũng phải mất 6 tháng và Bệnh viện không có tiền, có thể vay tiền để mua máy và chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì, trả thêm tiền hệ thống phần mềm… Nhưng một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của hãng đó mới sử dụng nên khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật, không thể làm theo phương án ấy được.
Phương án 2, là thuê máy cũng y như phương án trước vì hóa chất cũng đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được và bệnh viện lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất.
Phương án 3, là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này vì hình thức, hồ sơ, cách làm, quy trình các bước như thế nào để có thể chọn được nhà đầu tư liên doanh, liên kết; giá trị để đưa vào liên doanh, liên kết không tính được.
Như vậy cả 3 phương án đều tắc. GS Giang cho hay, đã có nhiều bệnh viện thông báo đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện trong vòng một tuần nữa, bệnh viện sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Việt Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng đó.
“Đây là việc cấp cứu của cấp cứu, rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được” – Giám đốc BV Việt Đức khẩn thiết bày tỏ.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, về các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ, theo thống kê của bệnh viện, cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết.
Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên bệnh viện không thể mua được dù bệnh viện đấu thầu hay mua.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc theo Hiệp định CPTPP, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện… hiện không biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được.
Tự chủ nhưng thu giá dịch vụ khám chữa bệnh bằng giá bảo hiểm y tế
Tại buổi toạ đàm, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại chúng ta chỉ có một quy định về giá khám chữa bệnh bằng giá của bảo hiểm y tế. Với Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày.
Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang được thu bằng giá của bảo hiểm y tế. Hiện tại Bệnh viện vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ, Bộ Y tế về việc phân nhóm tự chủ.
GS.TS Đào Xuân Cơ cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện tự chủ hơn 10 năm nay như giai đoạn 2016-2019 thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 và từ năm 2020 đến nay, tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Mặc dù đã có công văn của Chính phủ dừng nhưng hiện tại chúng tôi vẫn đang chờ đợi Bộ Y tế và Chính phủ phân nhóm để tiếp tục thực hiện theo nguyện vọng của Bệnh viện Bạch Mai. Do đó, Bệnh viện gặp vô cùng khó khăn về tài chính.
Hiện nay, Bệnh viện đã phải sử dụng nguồn ngân sách, tức là nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm được trong hơn 10 năm qua để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên.
Về mặt thiết bị y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 bệnh nhân. Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh Bệnh viện đang thiếu trầm trọng.
Hầu hết các thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các Thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và bệnh viện đang chờ các Thông tư mới, quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được.
“Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì Bệnh viện không có nguồn ngân sách nào. Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh” – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hiện tại Luật Khám chữa bệnh đã ra đời, mới được thông qua. Tuy nhiên, Chính phủ cần nhanh chóng có những văn bản pháp quy, Thông tư, Nghị định hướng dẫn sớm khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực để Luật sớm đi vào cuộc sống.
“Chúng tôi đã hết sức nỗ lực trong điều kiện khó khăn, thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư, thiếu thuốc trong thời gian vừa qua. Cả tập thể Bệnh viện đã tập trung ngày đêm vào công tác mua sắm thuốc men để phục vụ khối lượng bệnh nhân. Chúng tôi cũng mong rằng các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp cho ngành y tế, các bệnh viện có các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để chúng tôi tự tin khám chữa bệnh cho người bệnh” – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: "Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ"
Để giải quyết vấn đề khó khăn trên, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đầu tiên là chúng ta phải chia sẻ với các thầy thuốc, chia sẻ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam.
Khó khăn của ngành y tế chính là vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách để minh bạch. Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 nhưng nếu chúng ta không ra các văn bản hướng dẫn thì sẽ tiếp tục ách tắc.
Rất nhiều văn bản của chúng ta, do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, các cơ sở khám chữa bệnh lại khó khăn. Vậy về mặt thể chế, chúng ta phải giải quyết sao cho minh bạch.
Về thiếu thiết bị y tế, TS. Bùi Sỹ Lợi khuyến cáo Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, những máy móc, thiết bị thực hiện cơ chế đầu tư công-tư kết hợp thì tư nhân đầu tư mà có sai phạm thì đó là sai phạm của con người, không phải sai phạm của máy móc.
Cần phải giải tỏa vấn đề này để có máy móc, thiết bị hiện đại chăm sóc sức khỏe nhân dân. Máy đắp chiếu nằm trong kho chờ xử lý sai phạm, người dân thì không có máy móc thiết bị.
Việc nhập các vật tư, thiết bị y tế của chúng ta rất chậm do cơ chế của chúng ta không linh hoạt.
Tôi cho rằng rất nhiều cơ chế, chính sách ngành y tế cần được tháo gỡ quyết liệt và với tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta cần chia sẻ với ngành y, phải có thuốc, vật tư, máy móc hiện đại.
Những thách thức, khó khăn của ngành y tế đang hiện hữu. Tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ. Đây là nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết của Trung ương. Có như vậy chúng ta mới có thể giải quyết được khó khăn của ngành y tế.