Chiến thắng bất ngờ nhưng không mang tính quyết định
Sau khi dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 1.7, liên minh cực hữu do đảng Tập hợp Quốc gia (RN) lãnh đạo đã tiến gần đến cánh cửa quyền lực hơn bao giờ hết và đang trên đà thành lập chính phủ cực hữu đầu tiên của Pháp kể từ chính quyền Vichy trong Thế chiến II.
Nhưng sau một tuần thương lượng và thỏa hiệp chính trị giữa các phe phái cánh tả và trung dung nhằm ngăn chặn nguy cơ cực hữu “chiếm đóng chính trường Pháp”, hơn 200 ứng cử viên cánh tả và trung dung đã rút lui khỏi vòng thứ hai nhằm tránh chia rẽ phiếu bầu. Kết quả là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) - một tập hợp lỏng lẻo gồm nhiều đảng từ cực tả đến ôn hòa - đã giành được nhiều ghế nhất trong vòng thứ hai mang tính quyết định.
Kết quả bầu cử do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 8.7 cho thấy, liên minh NFP về đích với vị trí dẫn đầu, đạt 182 ghế tại Quốc hội gồm 577 ghế. Xếp sau là khối trung dung Ensemble của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với 168 ghế. Liên minh cực hữu dẫn đầu bởi đảng Tập hợp Quốc gia (RN), vốn được đồn đoán sẽ giành chiến thắng, nay chỉ xếp thứ 3 với 143 ghế.
Phe cánh tả, mặc dù giành nhiều phiếu nhất nhưng cũng không được coi là giành chiến thắng. Để giành được đa số tuyệt đối, một đảng hoặc liên minh cần phải giành được ít nhất 289 trong số 577 ghế Quốc hội.
Thành lập Chính phủ - nhiều kịch bản
Vì không liên minh nào giành được đa số phiếu tuyệt đối nên hiện tại Pháp đang ở trong tình trạng Quốc hội “treo” và sẽ phải trải qua quá trình đàm phán giữa các đảng phái chính trị để thành lập một Chính phủ liên minh. Điều này có thể khiến Quốc hội rơi vào tình trạng bế tắc trong việc thông qua chính sách.
Các chuyên gia dự đoán rằng liên minh Ensemble trung dung của ông Macron sẽ cố gắng thành lập liên minh với đảng Xã hội và đảng Xanh, các đảng ôn hòa hơn trong liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP), thay vì bắt tay với đảng cực tả Nước Pháp không khuất phục (LFI) của Jean-Luc Melenchon, một đảng mà trong chiến dịch tranh cử đôi khi ông đã miêu tả là nguy hiểm như đảng cực hữu. Theo tờ The Guardian, LFI, lực lượng giành nhiều ghế nhất trong liên minh cánh tả, từ lâu nhấn mạnh sẽ chỉ gia nhập chính phủ để thực thi các chính sách của đảng mà không phải của ai khác.
Trái với một số nước dân chủ nghị viện ở châu Âu, Pháp thường không có truyền thống xây dựng liên minh sau bầu cử. Ông Bertrand Mathieu, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Sorbonne ở Paris, nhận định một kịch bản liên minh trung dung và cánh tả bắt tay có vẻ khả thi trên lý thuyết, nhưng khác biệt cố hữu sẽ khiến các chính sách có thể thỏa hiệp tương đối hạn chế. Điểm bất đồng chính giữa khối cánh tả và phe của ông Macron là vấn đề cải cách lương hưu của ông. Năm 2023, Macron đã nâng tuổi hưởng lương hưu nhà nước từ 62 lên 64, điều mà phe cánh tả phản đối kịch liệt.
Một kịch bản khác là NFP tự thành lập chính phủ, hoặc Liên minh trung dung của ông Macron có thể thành lập một chính phủ thiểu số bằng cách đoàn kết những người ôn hòa từ cánh tả và cánh hữu và hoạt động theo hướng thỏa hiệp. Tuy nhiên, nguy cơ của bất kỳ chính phủ thiểu số nào là chương trình nghị sự của họ có thể dễ bị bác bỏ, thậm chí một chính phủ thiểu số sẽ phải đối mặt với nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong tháng này. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng các chính phủ thiểu số liên tiếp sụp đổ và một chính phủ khác thay thế, tạo nên một vòng luẩn quẩn và bất ổn.
Lựa chọn Thủ tướng - vẫn là một ẩn số
Thủ tướng Attal đã nộp đơn từ chức vào sáng 8.7 nhưng Tổng thống Macron yêu cầu ông Attal tiếp tục làm việc cho đến hết kỳ Thế vận hội Paris sắp tới và bảo đảm rằng Pháp vẫn có một chính phủ hoạt động. Tổng thống Macron nói rằng ông muốn chờ đến khi Quốc hội được cấu trúc trước khi ra quyết định về chính phủ mới và do đó, ông Attal sẽ tiếp tục tại vị để bảo đảm sự ổn định của đất nước.
Mặc dù không có quy định nào của Hiến pháp buộc Tổng thống có nghĩa vụ phải bổ nhiệm thủ tướng từ đảng có số ghế lớn nhất trong Quốc hội. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, ông có thể bổ nhiệm bất kỳ ai ông thấy thích hợp từ bất kỳ đảng nào. Tuy nhiên, bất kỳ đề cử nào của ông Macron cho chức thủ tướng cũng sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Và để đề cử đó được thông qua, ông có rất ít lựa chọn ngoài việc bổ nhiệm một thủ tướng đến từ đảng NFP, đảng giành được nhiều phiếu nhất.
Song, ngay cả đối với NFP, việc lựa chọn nhân vật nào cho vị trí ứng cử viên thủ tướng cũng là vấn đề gây đau đầu. Lãnh đạo đảng cực tả LFI Jean-Luc Melenchon, có vẻ là lựa chọn nổi bật nhưng lựa điều này cũng gây chia rẽ trong chính nội bộ cánh tả, đặc biệt là các nhóm cánh tả ôn hòa. Các lựa chọn khác bao gồm cựu nhà báo và nhà làm phim Francois Ruffin có mối liên hệ với LFI; Boris Vallaud của Đảng Xã hội; hoặc Laurent Berger phi đảng phái.
Giai đoạn khó đoán định
Nước Pháp đã bước từ nguy cơ này (nguy cơ phe cực hữu lên nắm quyền) sang một nguy cơ khác - giai đoạn khó đoán định. Một Quốc hội treo, một Chính phủ không chắc chắn và lựa chọn thủ tướng với nhiều kịch bản khiến nước Pháp có thể trải qua một thời kỳ bất ổn và không chắc chắn kéo dài, bởi ít nhất là sau 12 tháng Pháp mới có thể tổ chức bầu cử lại.
Một trong những nhân tố bất ổn là tính lỏng lẻo của liên minh giành được đa số phiếu cao nhất. Một tháng trước, NFP gần như không tồn tại. Bây giờ, liên minh này là khối lớn nhất trong Quốc hội Pháp và có thể lãnh đạo Chính phủ tiếp theo.
NFP giành chiến thắng nhờ sự thỏa hiệp chính trị nhằm ngăn chặn đà chiến thắng của phe cựu hữu. Thế nhưng sau khi mục đích thành lập đã đạt được, câu hỏi đặt ra là liệu Liên minh được thành lập vội vã này có thể trụ vững và đoàn kết hay không?
Các chuyên gia ví von NFP “không nói chung một giọng nói duy nhất”. Điều này được thể hiện ngay ở việc mỗi đảng trong liên minh mừng kết quả tại các sự kiện vận động tranh cử của riêng mình, thay vì tổ chức một bữa tiệc cùng nhau. Hai trong số những nhân vật nổi bật nhất của liên minh là lãnh đạo LFI Jean-Luc Mélenchon và ông Raphael Glucksmann, nhà lãnh đạo ôn hòa hơn của đảng Place Publique - hầu như không bao giờ nói chuyện với nhau.
Những bất đồng về chính sách kinh tế và đối ngoại có thể lan rộng, vì các kế hoạch chi tiêu mở rộng của NFP - bao gồm tăng lương tối thiểu, hạn chế giá một số loại thực phẩm và năng lượng và ý định hủy bỏ cải cách lương hưu của Tổng thống Macron - có thể xung đột với các quy tắc tài khóa hạn chế của Liên minh châu Âu và nhu cầu của Pháp trong việc kiểm soát thâm hụt ngày càng tăng của mình.
Nước Pháp đã bao giờ chứng kiến Quốc hội “treo”?
Trong cuộc bầu cử năm 2022, đảng của Tổng thống Macron chỉ giành được 245 ghế, về lý thuyết cũng không bảo đảm đa số 289 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên trên thực tế, chính phủ của ông đã nhận được sự ủng hộ ngầm từ đảng Cộng hòa bảo thủ, do vậy giai đoạn đó cũng không được coi là Quốc hội “treo”.
Trong lịch sử hiện đại, nước Pháp chưa bao giờ chứng kiến một Quốc hội không có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối, nhưng đã có những giai đoạn, chẳng hạn các năm 1986-1988, 1993-1995 và 1997-2002, nước Pháp chứng kiến tình trạng “chung sống chính trị” khi tổng thống và thủ tướng thuộc những đảng đối lập. Tuy nhiên, ngay cả khi thủ tướng thuộc đảng đối lập thì đảng đó cũng chiếm quyền kiểm soát tuyệt đối ở Quốc hội, do vậy cũng không khiến nước Pháp rơi vào tình trạng Quốc hội treo như hiện tại.