Tiến tới màn tái đấu
Trong ngày bầu cử “Siêu thứ ba”, hàng triệu cử tri tại 15 bang và vùng lãnh thổ Samoa, tương ứng với 1/3 số bang của Mỹ, đã tham gia vòng bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu công khai hoặc họp kín để chọn ra gương mặt đại diện cho đảng của mình tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo New York Times, ngày siêu bầu cử vừa qua đã ghi nhận những chiến thắng áp đảo mang tính quyết định của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và người tiền nhiệm Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa. Các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra từ nay đến tháng 6.2024, nhưng kết quả bỏ phiếu vừa qua mang tính định hình và cho thấy xu hướng ủng hộ của thành viên hai đảng: Dân chủ, Cộng hòa với ứng cử viên mà họ tin tưởng.
Theo quy định Đảng Dân chủ, ứng viên Tổng thống chính thức cần nhận được 1.968 phiếu ủng hộ trong tổng số 3.934 đại biểu toàn Mỹ. Ứng viên thắng sơ bộ tại bang nào thì đại biểu Đảng Dân chủ bang sẽ bỏ phiếu cho người đó tại đại hội toàn đảng lựa chọn ứng viên Tổng thống.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thắng bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ ở 15 bang và chỉ thất bại duy nhất tại vùng lãnh thổ Samoa. Tuy nhiên, kết quả ở Samoa nơi chỉ có 6 phiếu đại biểu, không có tác động đáng kể tới chiến dịch tranh cử của ông Biden. Kết quả cuối cùng cho thấy, ông Biden đã gom được 1.497 phiếu và con số đang không ngừng tăng lên.
Về phía Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đã thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Alabama, Arkansas, Maine, Bắc Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Virginia, Minnesota, Massachusetts, Colorado, California, Alaska và Utah. Đến cuối ngày, ông Trump đã có được 995 phiếu ủng hộ, gấp hơn 10 lần bà Haley.
Sau những cách biệt quá lớn, các đối thủ của ông Donald Trump và ông Joe Biden đã lần lượt rút khỏi cuộc đua, dọn đường cho một cuộc tái đấu giữa hai chính khách này. Với các kết quả trong ngày siêu bầu cử vừa qua, cũng như không có đối thủ cạnh tranh, cả hai ứng cử viên chỉ cần một thời gian ngắn nữa là có đủ số phiếu đại biểu cần thiết để chính thức đối đầu với nhau.
Khi tên các ứng viên Tổng thống trên lá phiếu gần như chắc chắn đã được xác định, người dân Mỹ bắt đầu chuyển sang đánh giá ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử quyết định vào tháng 11.
Cử tri Mỹ sẽ quan tâm đến điều gì?
Theo một cuộc thăm dò do tờ The Hill thực hiện cho thấy, 47% số người Mỹ được hỏi ủng hộ ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, trong khi số người ủng hộ ông Joe Biden chỉ thấp hơn một chút là 45%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ dẫn trước của hai ứng cử viên này trong các cuộc thăm dò có thể liên tục thay đổi khi chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra quyết liệt hơn những tuần tới đây. Đó là chưa kể tác động từ những rắc rối pháp lý mà ông Trump có thể đối mặt trước ngày bầu cử diễn ra.
Một cuộc thăm dò khác do CBSNews thực hiện, dư luận đang đổ dồn mọi sự chú ý vào quan điểm của các ứng cử viên về những thách thức mà nền kinh tế hàng đầu thế giới phải đối mặt như kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội, chính sách đối ngoại… Đây cũng là các vấn đề mà quốc gia này đang đau đầu giải quyết, trong khi đó hai ứng cử viên đã đưa ra nhiều quan điểm trái ngược nhau.
Với tư cách là Tổng thống, ông Joe Biden đã thúc đẩy đổi mới về khí hậu và năng lượng sạch, đồng thời củng cố các chính sách liêm chính về mặt khoa học trong toàn chính phủ liên bang nhằm bảo vệ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng. Về phía ông Donald Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 2017 - 2020, ông đã bãi bỏ các chính sách về khí hậu và thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch, đồng thời gạt các quan chức y tế công cộng và các nhà khoa học chính phủ khác ra ngoài lề. Giới phân tích nhận định, quan điểm của các ứng cử viên về những vấn đề nóng nêu trên là một trong những nhân tố quyết định ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà trắng.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần 75% số người được hỏi coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu, cao hơn bất cứ mục tiêu nào khác. Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng vượt dự kiến đạt 2,5%, thị trường việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp lịch sử. Hơn nữa, cuộc chiến chống lạm phát đã mang lại kết quả tích cực, giúp các nguy cơ về suy thoái được đẩy lùi.
Song, theo kết quả thăm dò mới đây của tờ Wall Street Journal, nhiều cử tri vẫn cảm thấy lo lắng vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tăng trưởng không đồng đều và khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Giới quan sát nhận định, đây sẽ là những bài toán kinh tế khó mà hai ứng cử viên phải tìm được hướng giải quyết nếu muốn giành được sự ủng hộ của cử tri.
Bên cạnh đó, vấn đề nhập cư bất hợp pháp cũng là một trong những chủ đề được quan tâm không kém, vì dòng người di cư ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối năm ngoái. Trong bối cảnh làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang ngày càng trở nên khó kiểm soát, cả hai ứng cử viên đã đến thăm biên giới phía nam của nước Mỹ chỉ vài ngày trước ngày “Siêu thứ ba”. Đây là dấu hiệu cho thấy hai ứng cử viên sẽ tiếp tục coi nhập cư là ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề khác như chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cuộc chiến chống khủng bố, kiểm soát súng đạn… cũng được quan tâm. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, ưu tiên của người dân Mỹ cũng có sự phân hóa theo yếu tố đảng phái. Cử tri Đảng Cộng hòa quan tâm nhiều hơn đến nhập cư, chống khủng bố, trong khi cử tri Đảng Dân chủ chú trọng chăm sóc y tế, giáo dục, môi trường.
Một điểm khác biệt so với các kỳ bầu cử trước đây, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang căng mình trước nhiều điểm nóng toàn cầu, từ xung đột lan rộng ở Trung Đông đến cuộc chiến tại Ukraine, hiện ngày càng nhiều cử tri cho rằng chính sách đối ngoại cần được coi là một trong những ưu tiên của nước Mỹ. Kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ công chúng (NORC) cho thấy, khoảng 40% số người được hỏi khẳng định chính sách đối ngoại nên là một trong năm ưu tiên của Nhà trắng trong năm 2024.
Trước những thách thức cả về đối nội và đối ngoại, Tổng thổng Mỹ tiếp theo được mong đợi sẽ lèo lái đất nước tiếp tục vững bước, kiên cường vượt qua những khó khăn mà quốc gia này đang phải đối mặt. Vì vậy, những vấn đề về kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội, đối ngoại... sẽ là những “chướng ngại vật” mà các ứng cử viên phải vượt qua.