Không ngừng biến tướng
Giới chức Trung Quốc bắt đầu để ý tới loại hình tội phạm mới này sau vụ việc năm 2004, liên quan đến một giáo sư nổi tiếng đã nghỉ hưu của Đại học Bắc Kinh. Người này bị lừa số tiền 147.000NDT và ông đã gửi thư khiếu nại lên các lãnh đạo trung ương. Hai tháng sau, Phúc Kiến triển khai chiến dịch đặc biệt để phá đường dây lừa đảo qua tin nhắn SMS và Internet.
Từ đó đến nay, lừa đảo viễn thông và đặc biệt là với sự phát triển của internet, mạng xã hội, lừa đảo qua mạng đã phát triển và biến tướng dưới nhiều hình thức, số lượng vụ án tiếp tục tăng. Trong 10 năm tính đến năm 2016, lừa đảo viễn thông tăng khoảng 20% đến 30% mỗi năm, theo Tân Hoa Xã. Hầu hết các vụ thiệt hại trên 10 triệu NDT đều do các băng nhóm tội phạm tại Đài Loan tổ chức, theo Bộ Công an Trung Quốc.
Kể từ sau đại dịch Covid-19 năm 2020 khiến nền kinh tế sa sút, nhiều đối tượng mất sinh kế, tình trạng lừa đảo qua mạng càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn. Theo Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2020, nước này ghi nhận 927.000 vụ lừa đảo qua mạng viễn thông và internet với tổn thất 35,37 tỷ NDT (tương đương 5 tỷ USD). Khoảng 1/3 vụ việc đã được xử lý, dẫn tới bắt giữ 361.000 nghi phạm. Nhờ nỗ lực phòng chống, trong năm này, nhà chức trách ngăn chặn được 8,7 triệu người chuyển 272 tỷ NDT cho kẻ lừa đảo.
Năm 2021, các cơ quan công an trên toàn quốc đã phá hơn 394.000 vụ lừa đảo qua mạng viễn thông và trực tuyến, đồng thời bắt giữ hơn 630.000 nghi phạm. Trong khi đó, tội hỗ trợ các hoạt động tội phạm trên mạng thông tin (bao gồm lừa đảo viễn thông và trực tuyến) đã trở thành tội phạm bị truy tố nhiều thứ ba ở Trung Quốc, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới cho biết.
Vào đầu năm nay, Bộ Công an Trung Quốc thông tin đã triệt phá được 391.000 vụ lừa đảo qua mạng trong năm 2023. Tổng cộng có 79.000 nghi phạm bị bắt giữ, trong đó có 263 cá nhân tài trợ, đứng đầu hoặc phụ trách các hoạt động lừa đảo.
Những thủ đoạn tinh vi
Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới nổi như AI, những kẻ lừa đảo liên tục thay đổi cách thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Chúng tận dụng các công nghệ mới để tiếp cận nhiều nạn nhân tiềm năng hơn.
Theo thống kê trên thế giới, lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, loại hình này đang gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.
Năm 2023, lừa đảo viễn thông và trực tuyến gây thiệt hại 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Còn tại Việt Nam trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022; và đã có 1.500 vụ án đã khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng.
Không chỉ lừa những người cả tin, các hình thức lừa đảo còn liên quan đến cả một đường dây xoay quanh bán thông tin cá nhân, buôn người, làm giả giấy tờ... Một chợ đen sẽ thu thập tất cả dữ liệu riêng tư, bao gồm số căn cước công dân, địa chỉ từ các doanh nghiệp và thậm chí là cơ quan nhà nước rồi bán lại cho các nhà quảng cáo và kẻ lừa đảo. Một môi giới khi được hỏi đã khẳng định có thể cung cấp mọi loại thông tin như danh sách các giáo sư đại học hay căn cước công dân, số điện thoại của người cao tuổi - những người dễ bị tổn thương nhất.
Kẻ lừa đảo sử dụng thiết bị có thể can thiệp và giả mạo tín hiệu viễn thông, cho phép chúng thay đổi ID người gọi để mạo danh các cơ quan chức năng như cảnh sát, các cơ quan chính phủ hoặc bằng cách khai thác hoàn cảnh cá nhân của nạn nhân. Chúng còn dùng phần mềm nhắn tin hàng loạt để gửi tin nhắn mạo danh nhà mạng, ngân hàng và các tổ chức khác cho hàng ngàn người dùng. Những công nghệ và thiết bị này khiến rất khó truy vết.
Vài năm trở lại đây, các băng nhóm còn sử dụng ứng dụng lừa đảo để khiến mọi người tin rằng họ đang đăng nhập các nền tảng đầu tư hợp pháp. Bộ Công an cho biết, hình thức này tạo ra một đường dây công nghiệp phi pháp khổng lồ, bao gồm các nhà phát triển ứng dụng chuyên nghiệp - những người viết nhiều loại ứng dụng có chức năng khác nhau theo nhu cầu của kẻ lừa đảo.
Khi hoạt động trấn áp trong nước ngày càng gia tăng, nhiều kẻ lừa đảo đã chuyển hoạt động ra nước ngoài đến các khu vực như miền bắc Myanmar, Campuchia và Lào. Theo Tòa án Nhân dân Trung Quốc, tính đến giữa năm 2021, hơn 60% các vụ lừa đảo trực tuyến và viễn thông hiện bắt nguồn từ các “điểm nóng” ở nước ngoài.
Các chiến dịch của Bắc Kinh
Vào năm 2020, Bắc Kinh phát động “chiến dịch phá thẻ” trên toàn quốc nhằm trấn áp các giao dịch và bán thẻ sim và thẻ ngân hàng bất hợp pháp. Theo đó, những SIM điện thoại di động và thẻ ngân hàng không đăng ký chính chủ sẽ bị hủy dịch vụ.
Đến đầu năm 2021, Trung Quốc tiếp tục đưa ra chính sách khoan hồng, cho phép các công dân đang sinh sống ở khu vực biên giới với Myanmar, trong đó có nhiều người tham gia đường dây lừa đảo trực tuyến và điện thoại, trở về trước thời hạn.
Bất chấp nhiều biện pháp vào thời điểm đó, nạn lừa đảo qua mạng vẫn diễn biến phức tạp. Việc thiếu hành lang pháp lý ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân, cũng như lỗ hổng quản lý trước đó cho phép nhà mạng bán SIM mà không cần kiểm tra giấy tờ tùy thân, đã giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng “lộng hành”. Những vi phạm của kẻ xấu gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, thậm chí còn dẫn đến một số vụ tự tử. Trước tình hình đó, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Chống gian lận viễn thông và lừa đảo trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 1.12.2022. Luật mới gồm 7 chương với 50 điều, cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động chống lừa đảo viễn thông và trực tuyến, thông qua thiết lập một hệ thống ngăn ngừa và chống lừa đảo trong các ngành và toàn xã hội.