ĐBQH TRẦN ĐỨC THUẬN:
Đánh giá, làm rõ thêm tác động đến chính sách trong xây dựng luật
Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Đặc biệt, hiện nay ở cơ sở, nhiều địa phương có 3 lực lượng: Tổ bảo vệ dân phố; dân phòng; công an xã bán chuyên trách (nhất là sau khi công an chính quy về xã, công an xã bán chuyên trách chưa giải thể và có hoạt động theo các nghị định và các văn bản QPPL, nhưng chưa có luật quy định).
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần kiện toàn các lực lượng trên để vừa làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn; vừa là lực lượng có chức năng hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở thôn, bản, tổ dân phố.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát và thẩm tra, đại biểu Trần Đức Thuận cho biết, đã ghi nhận nhiều ý kiến băn khoăn về tên gọi; vấn đề biên chế, ngân sách bố trí cho lực lượng này nếu thành lập… Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã đề nghị Chính phủ cần đánh giá, làm rõ thêm tác động đến chính sách trong xây dựng luật, nhất là liệu có tăng thêm biên chế và tăng chi ngân sách quá lớn khi chi trả phụ cấp cho lực lượng này; đồng thời, đề nghị về thẩm quyền là do chính quyền thành lập, quản lý, còn Công an hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đặc biệt, vấn đề chi ngân sách cho lực lượng này do Trung ương hay cấp tỉnh bảo đảm hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị cần ngân sách Trung ương bảo đảm là chính; đồng thời, chế độ, chính sách cũng cần phù hợp với các chế độ, chính sách hiện tại đang có ở thôn, bản, tổ dân phố như: Dân quân tự vệ, cán bộ thôn, xóm.
ĐBQH VÕ THỊ MINH SINH:
Bảo đảm công bằng giữa các đối tượng
Cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ; dự thảo luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan…
Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn với nhiều nội dung các điều trong dự thảo luật; trong đó, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần phải có báo cáo đánh giá tác động không chỉ riêng góc độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mà còn ở các góc độ liên quan đến các tổ dân phố; để bảo đảm công bằng, hài hòa giữa các đối tượng, cụ thể là giữa các bộ thôn, xóm, tổ dân phố gồm: Bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thành lập.
“Mấy năm qua đi TXCT cấp cơ sở (từ HĐND đến Quốc hội) cử tri đều phản ánh phụ cấp hàng tháng của Bí thư, Trưởng ban công tác Mặt trận và xóm trưởng của các thôn, khối, phố còn thấp…”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho biết.
ĐBQH VI VĂN SƠN:
Cần một vài phương án để lựa chọn tên gọi phù hợp
Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành luật, cũng như sự cần thiết phải có lực lượng hỗ trợ cho lực lượng vũ trang (nhất là công an để tăng cường bảo vệ lực lượng an ninh cho cơ sở), đại biểu cho rằng: Dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an Nhân dân làm nòng cốt thực hiện…Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn với tên gọi của dự án luật, đại biểu Vi Văn Sơn đề nghị Ban soạn thảo cần có một vài phương án để lựa chọn tên gọi cho phù hợp.
Liên quan đến Điều 2 dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, đại biểu Vi Văn Sơn nêu rõ quan điểm: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng được “lựa chọn” tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự; thay vì đang sử dụng nhiều cách dùng như trong dự thảo luật là “tuyển chọn”, “xét chọn”, “lựa chọn”; đồng thời, đại biểu đề nghị tại khoản 2, Điều 3 cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể lực lượng này hoạt động dưới sự quản lý của cấp xã.
Bên cạnh đó, trong Chương 2 (quy định nhiệm vụ của lực lượng này), đại biểu đề nghị khoản 1, Điều 7 cần ghi rõ: Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ cho lực lượng công an ở cơ sở.
Cũng theo đại biểu Vi Văn Sơn, tại khoản 2 Điều 13 về thành phần thẩm tra hồ sơ lựa chọn lực lượng này, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm thành viên là người có uy tín ở cộng đồng dân cư. “Vì thực ra lực lượng này chủ yếu tập trung ở thôn, bản, nên uy tín đối với cộng đồng dân cư là rất quan trọng”, đại biểu nhấn mạnh.