Việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp này là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
“Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật và các văn bản pháp luật có liên quan, tôi còn có một số ý kiến, như xung quanh phạm vi điều chỉnh, đề nghị bổ sung cụm từ “quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động" vào sau cụm từ “bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động” để đảm bảo bao quát hết các nội dung của luật, đồng thời đảm bảo thống nhất với nội dung được quy định tại Chương IV về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát cơ động”.
Tại Điều 2, đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 2, “các biện pháp công tác khác” và giải thích rõ các biện pháp công tác khác là biện pháp gì? Bởi trong dự thảo có nhiều điều luật sử dụng thuật ngữ này, nhưng lại chưa được giải thích rõ, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động của lực lượng vũ trang.
Đại biểu cũng cho rằng, ban soạn thảo cân nhắc việc chuyển khoản 2 thành khoản 3 và thay từ “Cán bộ, chiến sĩ” bằng “Lực lượng Cảnh sát cơ động”, để đảm bảo thống nhất với Luật Cán bộ, công chức. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội…”.
Do đó, dự thảo Luật sử dụng từ cán bộ là không phù hợp. Cụ thể: “Lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Cảnh sát cơ động”. Tương tự ở các điều luật khác có sử dụng từ “cán bộ, chiến sĩ” cần sửa lại thành “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ…”.
Tiếp tục tại Khoản 1, Điều 5, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “cách mạng”, sửa lại là: “Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động”. Vì dễ gây hiểu nhầm: Cách mạng là một quá trình của Nhân dân hoặc một tổ chức mà trong đó các hoạt động đấu tranh diễn ra liên tục nhằm xoá bỏ một chính quyền, thay đổi trong các thể chế chính trị - xã hội hoặc thay đổi lớn trong một nền kinh tế hay văn hóa. Đồng thời để thống nhất và phù hợp với khoản 1 Điều 9 “… xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...”
Tại khoản 1, Điều 11 dự thảo quy định: “ Hoạt động của Cảnh sát cơ động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: a) Canh gác, tuần tra; b) Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực mục tiêu bảo vệ; c) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu bảo vệ, các chuyến hàng đặc biệt.” – đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc quy định hoạt động bảo vệ gồm những nội dung trên là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ mục tiêu. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét để sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 11 dự thảo theo hướng quy định hoạt động của Cảnh sát cơ động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm vũ trang canh gác, tuần tra kiểm soát…