Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống

Trong phiên chất vấn chiều nay của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã báo cáo làm rõ hơn nhiều vấn đề nóng, nổi cộm trong công tác quản lý, điều hành hiện đang được cử tri và Nhân dân quan tâm như: công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu; giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia...

Khắc phục bằng được hạn chế, yếu kémtrong điều hành xăng dầu

Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống -2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Về giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinhtế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng nêu rõ, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện. Đến nay đã cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Chương trình này. Ước giải ngân kế hoạch vốn NSNN từ đầu năm đến 31.10.2022 đạt 297,8/580 nghìn tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối là 40,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 15,7% so với số giải ngân cùng kỳ năm 2021). Triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt một số kết quả bước đầu, nhất là các chính sách giãn thuế, tiền thuê đất, miễn thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ tiền thuê nhà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống -0
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình này chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri. Số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương chiếm 30,5%; các địa phương chiếm 69,5%. Vẫn còn 8,3% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành ở một số địa phương.

Theo Thủ tướng, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan, địa phương chưa sát với thực tế; cơ chế giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, chưa được giải quyết. Quy trình, thủ tục còn mất nhiều thời gian. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa phát huy tốt vai trò người đứng đầu; có tâm lý sợ trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, nghiêm minh...

Thủ tướng cam kết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.

Xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 thận trọng, chắc chắn, khả thi

Về vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Thủ tướng chỉ rõ, đại dịch Covid - 19 và các dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp; bên cạnh đó tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh chậm được khắc phục làm ảnh hưởng đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá thuốc trên thị trường thế giới biến động mạnh, số lượng bệnh nhân tăng cao; nhưng nguyên nhân chủ quan là quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm còn vướng mắc; còn tâm lý sợ trách nhiệm; một số cán bộ chưa phù hợp chuyên môn; phân bổ cơ cấu thuốc đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương chưa hợp lý (theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Trung ương chiếm 16,5%, ở địa phương và các cơ sở y tế chiếm 83,5%).

Để sớm khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp khẩn trương rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống -1
Các đại biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 và năm 2023, Thủ tướng cho biết, khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 vào quý III năm 2021, bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid - 19, tăng trưởng âm, ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, vì vậy, việc xây dựng dự toán chi, thu NSNN năm 2022 ở mức thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, nhờ chúng ta chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid - 19 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ; từ Quý IV năm 2021 đến nay kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại đã tạo cơ sở tăng thu NSNN. Mặt khác, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường quản lý thu, chống thất thu; cùng với giá dầu thô, thu tiền sử dụng đất tăng khá, dẫn đến thu NSNN 10 tháng đã vượt 3,7% dự toán cả năm 2022.

Lưu ý năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu NSNN, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về tăng năng suất lao động, theo Thủ tướng, tăng năng suất lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng. Thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể; tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực.

Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng, chủ yếu là do nhận thức và đầu tư cho nhiệm vụ này chưa ngang tầm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành sản xuất chưa thực sự hợp lý; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn khó khăn…

Về giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh: đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…

Thời sự Quốc hội

Thảo luận tổ 15 sáng 22.11. Ảnh: Hạnh Nhung
Thời sự Quốc hội

Xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá

Thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước) sáng 22.11 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các ĐBQH đề nghị, cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá; đồng thời xem xét, nghiên cứu, bổ sung đối tượng chịu thuế là thuốc lá điện tử.

Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang) thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Thời sự Quốc hội

Cần có lộ trình tăng thuế phù hợp, tránh ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang) về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng nay, 22.11, các đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đưa ra lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp trong 3 - 5 năm tới với một số mặt hàng đặc thù, tránh gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Trưởng đoàn chào xã giao Chủ tịch danh dự Hội nghị ICAPP 12
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Trưởng đoàn chào xã giao Chủ tịch danh dự Hội nghị ICAPP 12

Sáng 22.11, tại thủ đô Phnom Penh, trước khi dự khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 12 Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á ICAPP 12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các thành viên Ban Chấp hành ICAPP, Lãnh đạo Hội nghị toàn thể ICAPP 12, Lãnh đạo các đảng chính trị/tổ chức đối tác đã chào xã giao Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen, Chủ tịch danh dự của Hội nghị toàn thể ICAPP lần thứ 12 và Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia Samdech Hun Manet.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.