9 tháng đầu năm xử lý hành chính 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân
Qua hoạt động thanh tra, ngành thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân.
Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra, các cơ quan đã xử lý hành chính là 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng.
Về nguyên nhân, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trước hết, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì thẩm quyền kỷ luật cán bộ, công chức do người đứng đầu quản lý cán bộ, tiến hành theo phân cấp quản lý và thông qua hội đồng kỷ luật. Cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức mà chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tiến hành kiểm điểm, xử lý. Tức là khác nhau về chế tài xử lý giữa kỷ luật Đảng - khi phát hiện vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra có thể thực hiện ngay các quy trình xử lý cán bộ - với cơ quan thanh tra thì phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xử lý.
Thứ hai, về quy trình quy định thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính còn chưa đồng nhất. Ví dụ, về khiển trách thì kỷ luật Đảng thời hiệu là 5 năm, hành chính là 2 năm, về cảnh cáo thì kỷ luật Đảng là 10 năm, hành chính là 5 năm. "Do đó có một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính thì đã hết thời hiệu. Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung này, ngay đầu kỳ họp này đã trình để ban hành nghị quyết để đồng nhất giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính", ông Đoàn Hồng Phong nói.
Thứ ba, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, pháp luật hiện hành còn thiếu chế tài xử lý các trường hợp chậm thực hiện kết luận thanh tra, thực hiện không đúng và không đầy đủ kết luận thanh tra.
Thúc đẩy phát hiện và xử lý "tham nhũng vặt"
Cử tri cho rằng, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh.. "Hiện tượng này được nhận định là tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý".
Nêu vấn đề trên, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cũng chỉ rõ, nguyên nhân chính từ bản chất của mối quan hệ này là khép kín, có lúc là do nhũng nhiễu, nhưng cũng có trường hợp là do chủ động tiếp cận để được ưu tiên xử lý hoặc che giấu, hợp thức hóa sai phạm để đôi bên cùng có lợi. "Vậy Tổng Thanh tra Chính phủ nhận diện tình trạng này ra sao, giải pháp nào để thúc đẩy việc phát hiện và xử lý loại hình tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới đây?", đại biểu tỉnh Tây Ninh chất vấn.
Đồng ý với vấn đề đại biểu nêu là một thực trạng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, hiện nay đúng là vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà và phổ biến là cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc trả lời chung chung, chưa sát với công việc và nhiệm vụ được giao, để người dân đi lại nhiều lần, thậm chí có trường hợp vòi vĩnh bằng nhiều cách khác nhau để vụ lợi cá nhân. Theo ông, công tác cải các hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu, có thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và qua thanh tra phát hiện thấy có hiện tượng một số bộ, ngành còn có giấy phép con.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý sau thanh tra
Trong phiên chất vấn sáng nay, nhiều ĐBQH cũng đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tài sản thu hồi xử lý sau thanh tra thời gian qua đã đạt tỷ lệ nhất định, nhưng tỷ lệ thu hồi chưa cao và thực hiện còn dài. Nêu giải pháp về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thanh tra, nhất là hoàn thiện Luật Thanh tra tới đây, đặc biệt là có quy định chế tài xử lý hành chính vi phạm. Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý sau thanh tra và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt xử lý sau thanh tra. Ba là, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc thực hiện kiến nghị thanh tra. Bốn là, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng như người dân trong việc thực hiện kiến nghị thanh tra. Năm là, tăng cường lực lượng làm công tác sau thanh tra và quan tâm đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ này.
Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra được một số ĐBQH chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ thống nhất với đánh giá việc chậm ban hành kết luận thanh tra, thậm chí là có nhiều cuộc thanh tra của nhiều năm trước, trong đó có cả đối với Thanh tra Chính phủ là do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nêu các nguyên nhân chính, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, thứ nhất là, các cuộc thanh tra, nhất là cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ tiến hành có phạm vi và quy mô lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, có tính chất phức tạp, có nội dung mới liên quan đến yếu tố con người và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Thứ hai là, một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra, mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra chuyên môn. Thứ ba là, khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng. Thứ tư là, ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế, thậm chí có một số trưởng, phó đoàn thanh tra làm chưa hết trách nhiệm.