Văn hóa trở thành biểu trưng của dân tộc Việt Nam
Nói đến kinh tế, chúng ta chưa xếp ở vị trí cao, nhưng nhắc đến văn hóa, con người, danh dự và uy tín Việt Nam, thì trong những bước ngoặt càng hiện diện, trong khó khăn càng tỏa sáng. Đội ngũ những người làm văn hóa chuyên nghiệp và không chuyên - tức là toàn dân xây dựng văn hóa, để ngày càng xứng đáng là dân tộc văn hiến, xứng đáng là dân tộc văn hóa. Hiếm có quốc gia, dân tộc nào trên thế giới như Việt Nam. Nhắc đến Nhật Bản là kinh tế Nhật, nhắc đến Hoa Kỳ là kinh tế Hoa Kỳ. Trên thế giới, chỉ có mấy quốc gia - dân tộc như thế, trong đó có Việt Nam. Văn hóa Việt Nam là bản sắc, là gương mặt, là tấm "căn cước" của dân tộc Việt Nam trước nhân loại.
Trên nền móng mấy nghìn năm phát triển dân tộc, văn hóa Việt Nam 78 năm qua dưới ngọn cờ của Đảng thực sự xứng đáng là sự tiếp nối, phát triển tầm cao mới, khẳng định vị thế uy tín sức mạnh văn hóa mấy nghìn năm của văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn hóa là một trong những giềng mối căn bản để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường sánh vai các cường quốc trên thế giới.
Hơn 78 năm qua, nhất là gần 40 năm đổi mới, theo phương châm đó, từ tư tưởng sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới tới quyết sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Nhà nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, đặt mối giao thương với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 10 quốc gia… trên nền tảng quan hệ bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau… từng bước vững chắc đi vào khuôn khổ ngày càng ổn định, cân bằng các mối quan hệ quốc tế đa dạng, phức tạp một cách nghệ thuật và nhân văn, ngày càng mang lại càng nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa… Đó là văn hóa ngoại giao Việt Nam, với nghệ thuật “ngoại giao cây tre” Việt Nam.
Gần 40 năm đổi mới, đất nước tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội với một tương quan mới, vị thế mới, tốc độ mới. Và, hóa thân trong công cuộc đổi mới, với tư cách vừa là người khởi xướng vừa là người lãnh đạo vừa là người tổ chức thực tiễn, Đảng ta không ngừng phát triển và trưởng thành vượt bậc một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Công cuộc đổi mới tiến những bước quan trọng, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới, với một vị thế mới, tương quan mới và gia tốc mới. Đó là văn hóa chính trị Việt Nam.
Từ lịch sử nhân loại và dân tộc, trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ sự chiêm nghiệm vấn đề tự do và hạnh phúc cho và của Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “… Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do"(4). Để thực thi trọng trách lịch sử nặng nề đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(5)); đồng thời, “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân... làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách”(6).
Xã hội XHCN Việt Nam với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một “xã hội mà mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mà nơi đây thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.
Nói khái quát, “chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có".
Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(7) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác quyết.
Tiếp tục giải quyết hiệu quả tối thiểu 9 mối quan hệ nổi bật
Từ 40 năm đổi mới, trong bối cảnh mới, trước nguy cơ mới và thời vận mới, Đất nước càng mạnh bước và tự tin trên con đường đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân tộc càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì nền độc lập tự do và phát triển mạnh mẽ và nhân văn của Tổ quốc. Đây chính là thời khắc chúng ta càng phải trở về và hành động một cách kiên định, sáng tạo vì nền độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Vì thế, “Hạnh phúc của Nhân dân” là một trong những nhãn tự của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Càng đặt vấn đề “hạnh phúc của Nhân dân” vào những khúc quanh của lịch sử thế giới và đất nước năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid - 19 đe dọa sinh tử nhân loại và sự bất ổn của những cuộc xung đột kinh tế, chiến tranh khốc liệt trên thế giới hôm nay, mệnh đề đó càng hàm súc, tỏa sáng, mang ý nghĩa lớn lao nhưng liên quan tới số phận mỗi người, sứ mệnh phát triển của đất nước, không chỉ trên phương diện chính trị, kinh tế mà sâu xa hơn là sự đòi hỏi phát triển một tầm mức mới trên bình diện xã hội, văn hóa và nhân văn.
Mọi quyết sách chính trị hay kinh tế…, nếu không bắt đầu từ văn hóa, từ con người và không cuối cùng không vì văn hóa, vì con người thì chắc chắn nhất định thất bại. Nếu trái thế, đó chính là tầm nhìn thiếu văn hóa, là cách hạ thấp văn hóa và khi đó chắc chắn thất bại, ngay từ trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội với vai trò trung tâm là phát triển con người; và, càng không thể nói tới văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của phát triển xã hội và con người, càng không thể kiến tạo xứng đáng của sự phát triển chiến lược mạnh mẽ, bền vững và nhân văn hiện tại và tương lai.
Hiện nay và sắp tới, dù muốn hay không, không thể không tiếp tục giải quyết hiệu quả tối thiểu 9 mối quan hệ nổi bật trên lộ trình xác lập nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững trong tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ, bền vững và nhân văn trong tầm nhìn 2030, trước mắt tới 2025.
Một là, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với kinh tế thị trường XHCN.
Hai là, văn hóa chính trị với văn hóa kinh tế và văn hóa xã hội.
Ba là, sự gia tăng dân số và môi trường sinh thái biến động với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế vì phát triển con người.
Bốn là, giáo dục với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế.
Năm là, cơ chế thị trường với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Sáu là, truyền thống và hiện đại, bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, rường cột là phụng sự con người.
Bảy là, sự thống nhất và mâu thuẫn giữa trước mắt và lâu dài trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, chăm lo phát triển toàn diện con người.
Tám là, quốc nạn tham nhũng với sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế, phát triển xã hội, với trung tâm của mọi sự phát triển là con người.
Và, chín là, độc lập về kinh tế và văn hóa với chủ động đại diện hội nhập quốc tế nhằm phát triển văn hóa, với chủ thể và động lực là con người.
Nói khái lược, toàn bộ sự phát triển phải xoay quanh Nhân dân chứ tuyệt đối không phải Nhân dân xoay quanh sự phát triển. Đó là triết lý Đổi mới XHCN mang tầm văn hóa hiện nay và tương lai.
Từ thực tiễn đổi mới, kinh nghiệm luôn cho thấy rằng, việc kiến tạo các quyết sách chính trị nếu không đặt trên nền móng văn hóa, chắc chắn đó chỉ là những quyết sách chính trị thiển cận hay kinh tế một cách cô độc, phi nhân văn; cũng như trên địa hạt tổ chức thực tiễn, hậu họa của sự phát triển kinh tế hay xã hội tất gánh chịu thiệt hại như nhau. Và như vậy, chắc chắn sẽ rơi vào vũng bùn của "cá lớn nuốt cá bé", kinh tế vị kinh tế, tiền vị tiền vô nhân đạo, phi văn hóa và phản văn hóa.
Văn hóa không chỉ được khẳng định là một trong các trụ cột chính sách quyết định của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước mà văn hóa còn là sự bảo đảm cho định hướng XHCN của nền kinh tế, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ với mục đích hướng tới con người, vì hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người. Đây là bản chất và cũng là hành động tổng thể và kiên định xây dựng nền văn hóa chính trị dân chủ và nhân văn Việt Nam.
Trên lộ trình tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(8), với hệ giá trị quốc gia (hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, hệ giá trị văn hóa (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học, hệ giá trị gia đình (ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh) và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...). Và, hơn ai hết, đội ngũ những người làm văn hóa và công tác văn hóa, luôn giữ trong mình ngọn lửa “Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống Nhân dân”(9), thấm đẫm tư cách và bản lĩnh những nhân cách văn hóa văn minh, hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Nếu trái thế, càng không thể nói tới trọng sự “xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc”(10).
Đó chính là những vấn đề có tính quy luật làm nên triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ mang tầm văn hóa Việt Nam trong tầm nhìn năm 2045, nhịp bước cùng thế giới thế kỷ XXI.
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, ttr. 22.
(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 28.
(6) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sđd, tr. 60,
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 23.
(8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 27.
(9)Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sđd, tr. 290.
(10) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sđd, tr. 599.