Các chuyên gia bảo vệ môi trường cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề.
Phát triển gắn với bảo vệ môi trường
Được mệnh danh là "vùng đất trăm nghề", với 1.350 làng nghề và làng có nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã. Trong đó, có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Gốm sứ, mây tre đan, dệt may, da giày, sơn mài, khảm trai, đồ gỗ...
Việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và các nước châu Âu như gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan. Để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ sang thị trường nước ngoài, TP. Hà Nội đã tổ chức rất nhiều chuỗi sự kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt là các doanh nghiệp làng nghề để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp của nước ngoài như: Singapore, Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan... Đây là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế cho làng nghề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển bền vững các làng nghề thì cần thiết phải gắn với bảo vệ môi trường.
Không thể phủ nhận rằng, chính các làng nghề này đã đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của khu vực ngoại thành, nâng cao đời sống cho người dân tham gia làm nghề truyền thống. Tuy vậy, hệ lụy với môi trường từ các làng nghề từ lâu nay vẫn là điều đáng quan tâm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, TS. Nguyễn Như Chinh cho biết, trên cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Tuy nhiên, thực trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường khá phổ biến. Từ thực tế cho thấy, các cơ sở sản xuất làng nghề rất đa dạng nhưng phần lớn với quy mô nhỏ và vừa, thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên trong quá trình sản xuất gây ra nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng. Đa phần các chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn còn chưa nhận thức được đúng mức ý nghĩa kinh tế, xã hội của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
"Tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng, kèm với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề làm giảm sức cạnh tranh và tính bền vững của các doanh nghiệp làng nghề. Do đó, sản xuất sạch hơn được xem là một hướng đi và là xu hướng tất yếu để hạn chế lãng phí nguyên, nhiên liệu, góp phần phòng ngừa tổng hợp về môi trường, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro”, ông Chinh nhấn mạnh.
Có cơ chế thu hút xã hội hóa xử lý ô nhiễm tại làng nghề
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của Nhân dân, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lực lượng chức năng tăng cường giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội. Qua đó, thành phố đặt mục tiêu chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo, kịp thời ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường; giải quyết các điểm nóng gây ô nhiễm, góp phần minh bạch hóa các hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường thu hút đầu tư…
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình thanh, kiểm tra, các đơn vị chức năng có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý; phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Có thể thấy, Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Song, thành phố rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo các chuyên gia môi trường, vấn đề môi trường lâu nay vẫn luôn nan giải, trong làng nghề càng phức tạp và khó khăn hơn. Bởi, làng nghề đa phần có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình chính vì vậy việc phát triển lưu giữ giá trị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường không dễ thực hiện. Song, trong xu thế hiện nay, nếu muốn sản phẩm mỹ nghệ, thủ công vươn xa thì sản xuất theo hướng “xanh - sạch” là giải pháp tất yếu. Để làm được điều này, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý nguồn nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả.
Bàn về giải pháp phát triển làng nghề gắn với môi trường tại Hà Nội, tại Hội thảo góp ý các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan tới vấn đề đất đai, môi trường, nhà ở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Hà Nội cần nêu cao tính tiên phong, huy động được sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào việc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường.