Từ kế hoạch lập pháp chặt chẽ, khoa học...
Quán triệt nhiệm vụ trọng đại này, với tư duy logic, khoa học và cách thức làm việc bài bản, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo “thiết kế” Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVvà ngày 1.10.2021 Đề án đã được báo cáo với Bộ Chính trị. Sau khi xem xét, thảo luận, ngày 14.10.2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 19-KL/TW. Trong Kết luận, Bộ Chính trị nhất trí thông qua Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và nhấn mạnh một số nội dung. Đó là việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế. Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật. Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật. Tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp...
Trên cơ sở đó, ngày 5.11.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 gồm 137 nhiệm vụ, trong đó có 109 nhiệm vụ lập pháp, bao gồm 71 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành; 38 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng luật mới, pháp lệnh, nghị quyết mới. Trong 109 nhiệm vụ lập pháp thì Chính phủ có tới 92 nhiệm vụ (trình), Tòa án Nhân dân tối cao có 6 nhiệm vụ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có 2 nhiệm vụ, các cơ quan khác 9 nhiệm vụ. Tất cả các nhiệm vụ đã được phân công cụ thể cả nội dung và tiến độ tới từng chủ thể có nhiệm vụ phải trình và nhiệm vụ thẩm tra của từng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ. Mặc dù không chạy theo số lượng (lúc này là chất lượng), nhưng với Kế hoạch 81 thì nhiệm vụ lập pháp toàn khóa vẫn rất lớn và nặng nề.
... đến kết quả thực hiện khả quan
Sau hội nghị này, các chủ thể có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan có trách nhiệm ở mỗi công đoạn của quy trình xây dựng pháp luật đều đã chủ động, khẩn trương và trách nhiệm hơn trong công việc của mình.
Với tư duy bám sát thực tiễn, xử lý một bước những chồng chéo của hệ thống pháp luật hiện hành, ngay từ kỳ họp bất thường đầu tiên, Quốc hội đã quyết định xây dựng và thông qua một dự án luật để sửa đổi nhiều luật. Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.
Được biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã rà soát 112 luật, bộ luật trong hệ thống pháp luật hiện hành. Trong đó có 88 luật, bộ luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai; có 24 luật mặc dù không có nội dung quy phạm đất đai nhưng có ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất đai. Trong 88 luật, bộ luật có nội dung quy phạm đất đai thì có 24 luật, bộ luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai. Cụ thể là: Nhóm các luật về đầu tư (4 luật); nhóm các luật về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà ở, công nghiệp (5 luật); nhóm các luật dân sự (3 luật, 1 bộ luật); nhóm các luật về tài chính, ngân sách, tài sản công (3 luật); nhóm các luật về lĩnh vực nông nghiệp (1 luật); nhóm các luật về tài nguyên, môi trường (3 luật); nhóm các luật về văn hóa, xã hội (1 luật); nhóm các luật về hành chính công (1 luật); nhóm các luật về tư pháp (2 luật).
Đây cũng chính là căn cứ thực tiễn bức xúc để Quốc hội quyết định làm một luật sửa đổi nhiều luật nêu trên. Chính vậy, khi Luật này có hiệu lực thi hành đã bước đầu “gỡ khó” được nhiều việc cụ thể của doanh nghiệp và người dân.
Nửa đầu nhiệm kỳ qua, Quốc hội Khóa XV đã thực hiện khối lượng lớn công việc, tập trung vào thời gian từ sau khi triển khai Hội nghị toàn quốc thực hiện Kết luận 19 -KL/TW của Bộ Chính trị và thực thi Kế hoạch 81 của Đảng đoàn Quốc hội. Theo đó, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội thông qua 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự, 1 nghị quyết chuyên đề, 1 nghị quyết chung của kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội thông qua 2 luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết (11 nghị quyết chuyên đề, 1 nghị quyết chung của kỳ họp). Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội thông qua 5 luật, cho ý kiến 6 dự án luật, ban hành 3 nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội thông qua 6 luật, cho ý kiến 8 dự án luật, ban hành 3 nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội thông qua 8 luật, cho ý kiến 8 dự án luật, thông qua 17 nghị quyết (trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật).
Tại Kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội thông qua 1 luật (làm một luật, sửa đổi nhiều luật) và 3 nghị quyết. Tại Kỳ họp bất thường thứ Hai, Quốc hội thông qua 1 luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết. Tại Kỳ họp bất thường thứ Ba, Quốc hội thông qua 1 nghị quyết và tại Kỳ họp bất thường thứ Tư, Quốc hội cũng thông qua 1 nghị quyết.
Như vậy, tính đến Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua 23 luật, cho ý kiến 27 lượt dự án luật và ban hành 58 nghị quyết.
... và sự chỉ đạo nhạy bén, hiệu lực, hiệu quả
Quá trình thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo Quốc hội đã tuân thủ nghiêm Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng luật theo luật định (những dự án chưa đạt chất lượng, nhất thiết chưa trình Quốc hội, những dự án trình rồi mà xét thấy chưa thật bảo đảm yêu cầu thì trả lại để chuẩn bị tiếp). Kèm theo dự án luật, yêu cầu phải có dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành (tại Kỳ họp thứ Năm, kèm theo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đã có dự thảo 2 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành: Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định Quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Từng thời gian, đánh giá lại tình hình thực hiện nhiệm vụ để thúc đẩy công việc.
Và đặc biệt lưu ý “phác đồ” chỉ đạo thực hiện của Chủ tịch Quốc hội, “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu đồng hành với người dân và doanh nghiệp”(2).
Với trí tuệ và bản lĩnh của mình, các đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đóng góp ý kiến vào các nội dung của từng kỳ họp, trong đó có trọng tâm xây dựng pháp luật. Chỉ riêng Kỳ họp thứ Năm vừa qua (trong các phiên thảo luận các dự án luật và kinh tế - xã hội) đã có 1.533 lượt đại biểu phát biểu tại 10 phiên thảo luận ở Tổ, 3 phiên thảo luận tại Đoàn; 695 lượt đại biểu phát biểu và 107 lượt đại biểu tranh luận tại 30 phiên làm việc tại hội trường. Các phát biểu và tranh luận nhìn chung là tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cao...
Tất cả các yếu tố đổi mới nói trên đã làm nên chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội. Đánh giá kết quả nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp”(3).
_________
(1) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tập I, trang 175.
(2) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phát biểu tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81-UBTVQH15 và Triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (ngày 22.8.2022).
(3) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV ngày 24.6.2023.