hủ tịch Hồ Chí Minh đã nói“Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang quyền với đàn ông để hưởng chung một quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa cấp dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết công bình của các giai cấp”.
Bản Hiến pháp đặt nền tảng pháp lý xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Thành quả của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc được ghi nhận như một tuyên ngôn pháp lý về quyền của con người, quyền của công dân của một nước độc lập, quyền của một dân tộc độc lập chính là bản Hiến pháp đầu tiên- Hiến pháp 1946. Đây cũng chính là văn bản pháp lý cao nhất khởi đầu cho cuộc đấu tranh chính trị pháp lý tiến bộ xã hội tầm vóc thế giới và hình thành một nhà nước độc lập, thực hiện quyền tự quyết của dân tộc độc lập quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật minh bạch, công minh và dân chủ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta. Dân chủ luôn luôn gắn liền với pháp luật vì thế cũng có thể gọi đó là bản hiến pháp đặt nền móng để xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Sự ra đời của Hiến pháp 1946 là một sự kiện lịch sử khẳng định quyền của một dân tộc độc lập, quyền của người dân một nước độc lập xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước của mình với cơ quan quyền lực cao nhất của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nghị viện nhân dân; Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc; cơ quan tư pháp ra đời với những nguyên tắc độc lập, tiến bộ. Đây cũng là thời khắc lịch sử mở ra cho nền độc lập của một đất nước đứng lên giành chính quyền, thoát khỏi ách thực dân áp bức bóc lột để xây dựng nhà nước của mình, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và ban hành hệ thống pháp luật phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và thể chế nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên “ở cõi Á đông”.
Những quy định đầu tiên về quyền lập pháp
Ngay trong Hiến pháp đầu tiên, vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội – cơ quan lập pháp đã được khẳng định rõ. “Nghị viện nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Điều thứ 22, Hiến pháp 1946) “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà chính phủ ký với nước ngoài” (Điều thứ 23, Hiến pháp 1946). Vào thời điểm này, sau 75 năm Quốc hội Việt Nam, sự xem xét vai trò ấy như một sự tất yếu trong chiều sâu lịch sử giải phóng dân tộc, nó là kết tinh của một quá trình đấu tranh bất khuất, từ khát vọng, ý chí quật cường của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục bởi sự đàn áp, cai trị, làm nô lệ cho ngoại bang đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Trong đêm trường nô lệ của dân tộc bị áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hun đúc ý chí mãnh liệt của dân tộc độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân phải bằng một nền pháp luật tiến bộ, bình đẳng. Khát vọng đấu tranh cho nền độc lập cho dân tộc, dân chủ, tự do và hạnh phúc cho nhân dân được Bác bày tỏ xúc tích trong bản Yêu cầu ca năm 1922:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành.
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Những ngày đầu lịch sử đất nước giành độc lập sau cách mạng tháng 8 năm 1945, pháp luật của thực dân đế quốc bị bãi bỏ nhưng đất nước chưa thể hình thành hệ thống pháp luật mới ngay và đầy đủ, thì các quy định Hiến pháp có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị pháp lý và xã hội lúc bấy giờ.
Tư tưởng cách mạng và tiến bộ dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập đã được kết tinh trong bản Hiến pháp đầu tiên. Và những nguyên tắc hoạt động của một nhà nước pháp quyền, trình tự lập pháp cũng được hiến định cụ thể: “Những luật đã được nghị viện biểu quyết, Chủ tịch nước Việt Nam phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn ấy, Chủ tịch có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố” (Điều thứ 31, Hiến pháp 1946). Hay quy định Ủy quyền cho Ban thường vụ thông qua sắc luật của Chính phủ “Khi nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền biểu quyết những sắc luật của Chính phủ. Những sắc luật đó phải đem trình nghị viện vào phiên họp gần nhất để nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ” (Điều thứ 36, Hiến pháp 1946). Đây có thể xem là quy định đầu tiên về thực hiện chức năng quan trọng của Quốc hội – chức năng lập pháp - được thể hiện cô đọng, súc tích trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ngay sau khi ban hành Hiến pháp 1946, Quốc hội đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, Quốc hội ban hành Nghị quyết ngày 9.11.1946 Ủy nhiệm Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp. Nghị quyết ghi rõ Ủy nhiệm Chính phủ và Ban thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp. Trong thời kỳ chưa thi hành được thì Chính phủ phải đưa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật. Đây là ủy quyền lập pháp đầu tiên của Quốc hội cho Chính phủ ban hành các sắc luật quản lý mọi mặt cấp thiết của đời sống xã hội, của đất nước, huy động mọi nguồn lực, đoàn kết toàn dân tập trung cho nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi.
Hình thành hệ thống văn bản pháp luật đầu tiên
Khi đất nước vừa giành được độc lập, chính quyền non trẻ đứng trước thách thách cam go, trình độ phát triển kinh tế - xã hội manh mún, giặc đói, giặc dốt hoành hành, năng lực quản lý nhà nước còn thấp kém, hoạt động của bộ máy chính quyền thời chiến, Quốc hội không thể tiến hành họp thường xuyên mà giao một số quyền hạn cho Ban thường trực của Quốc hội hoạt động bên cạnh Chính phủ; giám sát Chính phủ ban hành các văn bản cần thiết phục vụ yêu cầu trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc.
Trong bối cảnh đó, từ sau Hiến pháp 1946, Quốc hội ban hành 12 nghị quyết về tổ chức và hoạt động của chính phủ, về ngoại giao, về giấy bạc 500 đồng… Ngày 4.12.1953, Quốc hội ban hành đạo luật đầu tiên là Luật Cải cách ruộng đất - đạo luật thiết yếu phục vụ cho cách mạng dân chủ nhân dân. Tiếp đó, Quốc hội ban hành 10 luật, 40 nghị quyết về chính sách kinh tế, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, đối ngoại… Cuối nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa I ban hành Hiến pháp 1959. Có thể nói hoạt động lập pháp trong giai đoạn này chủ yếu giải quyết những vấn đề cơ bản, thiết yếu trong tổ chức bộ máy nhà nước, liên quan thực hiện quyền cơ bản của công dân, của chế độ dân chủ nhân dân thay thế cho chế độ áp bức bóc lột của thực dân phong kiến. Những quyết định cụ thể thông qua sắc lệnh của Chủ tịch nước hay sắc luật của Chính phủ ban hành để thực thi.
Không phải là con số văn bản pháp luật, cũng không phải là nội dung, tính chất và hình thức văn bản là điểm nổi bật trong giai đoạn này. Vấn đề là làm sao đưa Hiến pháp vào cuộc sống trong khi chính quyền tập trung vào nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, hệ thống pháp luật còn manh nha. Trong tình hình ấy, yếu tố đức trị, nêu gương có vai trò hết sức quan trọng trong thực thi; là hình mẫu sống động của pháp luật trong đời sống. Phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng là yếu tố hàng đầu, được xem trọng, đặt cao hơn sự đầy đủ, cụ thể của hệ thống pháp luật còn thiếu thốn. Đó chính là tinh thần đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Và cũng chính điều này làm cho hệ thống pháp luật dù còn thiếu nhưng được vận hành thông suốt, nghiêm minh. Trong thư gửi hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Các bạn là người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "Phụng công, thu pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo.
Có thể thấy, Hiến pháp 1946 là dấu mốc lịch sử, là một chiến thắng pháp lý vang dội của nhà nước non trẻ; là kết tinh thành tựu của cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chính nó làm nền tảng pháp lý xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân; xóa bỏ hệ thống pháp luật nô dịch, thực dân, phong kiến đầy ải, bóc lột đến tận xương tuỷ người dân; thúc đẩy sự hình thành hệ thống pháp luật mới, tiến bộ, công bằng, bình đẳng và văn minh.
_____________
Tài liệu tham khảo:
- Tuyển tập Hồ Chí Minh, tập 1 (1911-1924)
- Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam.
- 50 năm Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1946 - 1996)
- 60 năm Quốc hội Việt Nam (1946- 2006)
- 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946 - 2016)
- Tuyển tập những bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật (Nhà xuất bản Pháp lý).