Tài liệu dài 80 trang đưa ra đánh giá ảm đạm về an ninh Thái Bình Dương và đặt ra mức tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng để tái trang bị cho quân đội Australia nhằm đối phó với những thách thức tiềm tàng.
Trình bày về chiến lược mới, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết: “Những đánh giá lạc quan về tình hình an ninh khu vực và thế giới, vốn là cơ sở cho chiến lược quốc phòng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc đã chấm dứt từ lâu”.
Văn bản mô tả một Australia là một quốc gia dễ tổn thương, đứng trước nguy cơ bóp nghẹt thương mại hoặc bị ngăn cản việc tiếp cận các tuyến đường hàng không và đường biển quan trọng. Ông Marles nói: “Chúng tôi là một quốc đảo và phụ thuộc rất lớn vào đường hàng không và hàng hải. Vì vậy, ngay cả khi kẻ thù không cần xâm lược thì vẫn có thể gây ra rất nhiều thiệt hại cho đất nước chúng ta".
Trọng tâm của chiến lược là các kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tăng gấp ba năng lực tên lửa chủ chốt và phát triển một hạm đội tác chiến mặt nước lớn.
Bộ trưởng Marles nói: “Việc sở hữu lực lượng hải quân có năng lực nhất trong lịch sử sẽ là trọng tâm trong kế hoạch và chiến lược mới của chúng tôi. Chiến lược này nhằm khiến bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại lợi ích của Australia trở nên cực kỳ tốn kém và rủi ro".
Với tư cách là một phần của GDP, chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tăng từ khoảng 2% hiện nay lên 2,4% trong vòng một thập kỷ.
Điều đó được cho là sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra trên khắp Thái Bình Dương, với việc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đổ thêm tiền vào quốc phòng.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương đã tăng 45% kể từ năm 2013.
Trong bối cảnh đó, Australia dự đoán nguy cơ xung đột gia tăng ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông hoặc ở biên giới với Ấn Độ.