Khởi động giai đoạn nới lỏng tiền tệ
Ngày 18.9 (giờ địa phương), sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã quyết định hạ lãi suất đi vay 0,5 điểm phần trăm, tương đương 50 điểm cơ bản. Nếu không tính các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ Covid-19, lần cuối cùng cơ quan này cắt giảm 50 điểm cơ bản là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Quyết định trên hạ lãi suất quỹ liên bang xuống mức 4,75% - 5%. Lãi suất này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí đi vay ngắn hạn của các ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm tiêu dùng như các khoản thế chấp, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát lịch sử của ngân hàng trung ương Mỹ, giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm trong hơn một năm.
Quyết định nới lỏng được đưa ra "sau khi đánh giá tiến triển về lạm phát và cán cân rủi ro". Cuộc bỏ phiếu của FOMC có kết quả 11-1, trong đó Thống đốc Michelle Bowman ủng hộ việc cắt giảm 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, FOMC không có sự thống nhất tuyệt đối.
Quyết định cắt giảm nửa điểm, dù không nhận được sự nhất trí hoàn toàn, đã truyền đi thông điệp tới thế giới rằng các ngân hàng trung ương Mỹ đang cảm thấy cấp bách trong việc hỗ trợ nền kinh tế sau hàng loạt số liệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo rằng quyết định cắt giảm nửa điểm của Fed là dấu hiệu cho thấy cam kết của Fed nhằm không tụt hậu trong việc ứng phó với thực tế của nền kinh tế.
Ngoài quyết định cắt giảm lần này, Fed phát tín hiệu sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản cho tới cuối năm 2024, cũng gần với kỳ vọng của thị trường. Các quan chức kỳ vọng sẽ cắt giảm thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2025 và 0,5 điểm phần trăm vào năm 2026.
Kênh CNBC dẫn tuyên bố của Fed sau cuộc họp ngày 18.9: "Ủy ban đã có cơ sở để tin rằng lạm phát đang tiến tới mức mục tiêu 2% một cách bền vững. Đồng thời, đánh giá rằng các rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đã cân bằng".
Đánh giá về tình trạng nền kinh tế, FOMC nhận định: "Tăng trưởng việc làm đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp".
Các quan chức của FOMC nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm nay lên 4,4%, từ mức dự báo 4% trong lần cập nhật gần nhất vào tháng 6. Cùng lúc đó, FOMC hạ triển vọng lạm phát xuống 2,3% từ mức 2,6% trước đó. Với lạm phát lõi, các quan chức hạ dự báo xuống 2,6%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6. Ủy ban kỳ vọng lãi suất trung lập dài hạn sẽ ở mức khoảng 2,9%.
Tác động đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới
Một số ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới, như Ngân hàng châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã bắt đầu hạ cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, một số ngân hàng khác, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi, vẫn giữ nguyên lãi suất. Động thái của Fed có thể sẽ thúc đẩy họ đưa ra quyết định mới.
Với nhiều ngân hàng trung ương, việc hạ lãi suất trước Fed có rủi ro làm suy yếu đồng nội tệ. Khi lãi suất ở quốc gia đó giảm so với lãi suất ở Mỹ, đồng nội tệ của họ sẽ sụt giá. Điều này sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu, tạo ra làn sóng áp lực lạm phát mới.
Nam Phi đã rơi vào tình trạng này. Ngân hàng trung ương của Nam Phi có thể là ngân hàng tiếp theo hạ chi phí đi vay, khi cuộc họp chính sách sẽ diễn ra vào ngày 19.9.
Một số ngân hàng trung ương vẫn chưa hạ chi phí đi vay là ở châu Á, nơi lạm phát tăng chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới và ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách ở mức độ ít hơn.
Khi lạm phát dự kiến sẽ chậm lại và rủi ro đồng tiền tệ mất giá đã giảm bớt khi Fed nới lỏng chính sách, nhiều quốc gia đã sẵn sàng để đưa ra hành động tương tự. Các nhà kinh tế của JPMorgan dự đoán Ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ hạ chi phí đi vay vào tháng tới, trong khi Hàn Quốc và Thái Lan sẽ có hành động trước khi kết thúc năm nay.
Đối với nhiều ngân hàng trung ương ở Mỹ Latin và những nơi khác đã bắt đầu hạ lãi suất, bước đi của Fed đã giúp loại bỏ rủi ro mà họ phải đối mặt. Bank of America nhận định rằng, hầu hết các ngân hàng trung ương dường như đang “ăn mừng” việc Fed cắt giảm.
Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng tỏ ra thận trọng. Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) phát tín hiệu sẽ không hạ lãi suất cho đến năm sau dù kinh tế đang giảm tốc. Ngân hàng trung ương Na Uy (Norges) cho biết một thời gian nữa mới có thể cắt giảm. Ngân hàng trung ương Brazil có thể trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên tăng lãi suất ngay sau động thái của Fed.