Sau Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa và Dân chủ được tổ chức lần lượt vào giữa tháng 7 và cuối tháng 8, cả hai ứng cử viên đều tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt cho chức Tổng thống. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày càng chứng tỏ là một ứng cử viên đáng gờm sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình khi dẫn trước ông Donald Trump 3 - 5 điểm trong hầu hết các cuộc thăm dò tính đến ngày 15.9. Tuy nhiên, uy tín của bà trong thiết lập chính sách đối ngoại, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc, vẫn đang được các chuyên gia theo dõi chặt chẽ.
Trên thực tế, việc đảng Dân chủ đột ngột lựa chọn bà Harris làm ứng cử viên thay thế cho ông Biden khiến bà không có nhiều thời gian để xây dựng chiến lược chính sách đối ngoại toàn diện. Mặc dù tại Đại hội toàn quốc hồi tháng 8, đảng Dân chủ đã công bố cương lĩnh, nhưng văn kiện này hầu như không có ông Biden là ứng cử viên. Bà Harris được coi là thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề quốc tế, chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước trong suốt sự nghiệp công của mình.
Kamala Harris: giữa cứng rắn và thực dụng
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử, được thực hiện với CNN vào ngày 29.8, bà Harris cho biết, bà có khả năng sẽ tiếp tục quỹ đạo chính sách đối ngoại của Biden. Tuy nhiên, việc bà chọn Philip Gordon làm Cố vấn An ninh quốc gia cho thấy một sự chuyển hướng tiềm tàng trong chính sách đối với Trung Quốc, vì cách tiếp cận thực dụng của ông Gordon có thể khác với lập trường đối đầu mà chính quyền Biden đang theo đuổi.
Quan điểm của ông Gordon về chính sách đối ngoại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sự phản đối của ông đối với chiến lược thay đổi chế độ mà chính quyền Bush đã chủ trương ở Iraq, điều mà ông tin rằng đã làm ảnh hưởng danh tiếng toàn cầu của Hoa Kỳ. Là một "người theo chủ nghĩa quốc tế thực dụng", ông Gordon ủng hộ việc sử dụng quyền lực của Hoa Kỳ một cách sáng suốt, lập luận rằng hiệu quả của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không nằm ở các thể chế mà nằm ở chất lượng lãnh đạo của nước này. Quan điểm theo chủ nghĩa châu Âu của ông cho thấy, ông coi an ninh châu Âu là trọng tâm đối với quyền lực toàn cầu của Hoa Kỳ, tuy nhiên ông thừa nhận rằng Trung Quốc, chứ không phải châu Âu, hiện là trọng tâm chính của các chính sách đối ngoại, quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, để hiểu đầy đủ hơn về chính sách Trung Quốc của bà Harris, cần phải tìm hiểu quan điểm của một cố vấn khác là Phó cố vấn An ninh quốc gia Rebecca Lissner, người đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược của chính quyền Biden đối với Trung Quốc. Công trình của bà Lissner về Chiến lược an ninh quốc gia của Biden cho thấy, nước Mỹ thừa nhận rằng: kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh đã kết thúc và Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc - đối thủ ngang hàng duy nhất của họ. Chiến lược này tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với kho vũ khí hạt nhân tấn công phủ đầu và một tư thế quân sự mạnh mẽ, cho thấy bà Harris có thể tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn này nếu được bầu.
Donald Trump: đối ngoại qua góc nhìn kinh tế
Trong khi đó, nếu ông Donald Trump giành lại chức Tổng thống, có khả năng sẽ củng cố gấp nhiều lần lập trường "hung hăng" của mình đối với Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào cạnh tranh kinh tế và công nghệ. Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa hồi tháng 7, các nhân vật chủ chốt của đảng cho thấy họ ủng hộ một nền chính sách do ông Trump thống trị với việc lựa chọn JD Vance làm người đồng tranh cử chức vụ Phó Tổng thống. Điều này nhấn mạnh cam kết của đảng con voi trong chính sách đối đầu với Trung Quốc. Việc ông Trump có thể bổ nhiệm những nhân vật như Elbridge Colby và Robert Lighthizer, được biết đến với quan điểm diều hâu về Trung Quốc, cho thấy chính quyền của ông sẽ ưu tiên sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ và tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và không gian.
Cách tiếp cận của ông Donald Trump đối với Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy chiến lược Trung Quốc rộng lớn hơn của ông. Ông nhìn nhận Đài Loan dưới con mắt kinh tế nhiều hơn là chính trị và chiến lược. Ông coi Đài Loan chủ yếu là thị trường cho vũ khí xuất khẩu của Hoa Kỳ và là nguồn phát triển công nghệ bán dẫn. Điều này làm nổi bật “góc nhìn kinh tế” đối với chính sách đối ngoại. Ông Trump có khả năng sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc nhưng sẽ không tăng cường cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chính quyền của ông có thể giảm bớt sự hiện diện chiến lược của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và làm suy yếu các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Bộ tứ Quad hay những cam kết với ASEAN. Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào các biện pháp đơn phương để ngăn chặn tăng trưởng kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc thông qua thuế quan trừng phạt và lệnh trừng phạt.
Sự chuẩn bị của Bắc Kinh
Về phần mình, Bắc Kinh nhận thức rõ về những rủi ro lớn trong cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ. Bất kể ai giành chiến thắng, Trung Quốc đều có thể sẽ phải đối mặt với lập trường cứng rắn từ chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo.
Trong trường hợp bà Harris trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, Washington có thể sẽ chứng kiến Bắc Kinh tìm cách duy trì các thỏa thuận mà Trung Quốc và Mỹ đã đạt được dưới thời của Tổng thống Biden, đặc biệt là thông qua các cơ chế như Hội nghị thượng đỉnh APEC do Peru đăng cai và Hội nghị thượng đỉnh G-20 do Brazil đăng cai vào cuối tháng 11. Chiến lược này được thiết kế để xây dựng dựa trên các nỗ lực ngoại giao gần đây của đảng Dân chủ, minh chứng là chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan vào cuối tháng 8 và ý định của Mỹ tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề xung đột địa chính trị lớn cũng như những thách thức kinh tế xã hội trong nước của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump tái đắc cử. Dennis Wilder, cựu chuyên gia về Trung Quốc của CIA và là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về châu Á dưới thời George W Bush cho biết, Bắc Kinh đã "tích cực tìm kiếm cơ hội" để kết nối với nhóm vận động tranh cử của ông Trump. Đặc biệt, Bắc Kinh muốn đưa ông Thôi Thiên Khải - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ dưới thời Donald Trump, làm cầu nối, nhưng chưa thành công.
Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục tiếp cận đội ngũ của Donald Trump trong khi tận dụng và củng cố mối quan hệ của mình với Nga và các nước Nam bán cầu. Bắc Kinh có thể khuyến khích quyền tự chủ chiến lược của các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Liên minh châu Âu, bằng cách đưa ra ưu đãi kinh tế và đẩy nhanh các giải pháp thương mại. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tham gia vào các cuộc đàm phán kinh tế với Hoa Kỳ, hy sinh một số lợi ích kinh tế để đổi lấy các lợi ích chiến lược ở Tây Thái Bình Dương.
Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với quỹ đạo quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ. Cho dù dưới thời chính quyền của bà Kamala Harris hay ông Donald Trump, Bắc Kinh đều sẽ phải chuẩn bị đối mặt với một giai đoạn đầy thách thức sắp tới, được đánh dấu bằng cạnh tranh chiến lược và cạnh tranh kinh tế. Khi hai nước xử lý bối cảnh phức tạp này, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chính sách và quyết định của vị chủ nhân Nhà Trắng tiếp theo.