Gold Apollo phủ nhận liên quan
Không lâu sau khi vụ nổ xảy ra hôm 17.9, các hình ảnh chưa được xác thực của hai máy nhắn tin bị biến dạng đã xuất hiện trên mạng xã hội. Trong những bức ảnh này, có thể thấy từ "Gold" và một dãy số bắt đầu bằng "AP" hoặc "AR". Điều này chỉ ra rằng một công ty của Đài Loan - Gold Apollo - có thể liên quan tới việc sản xuất các máy nhắn tin này.
Tuy nhiên, Công ty Đài Loan Gold Apollo hôm 18.9 khẳng định họ đã được phép sử dụng thương hiệu của mình trên mẫu máy nhắn tin AR-924 nhưng một công ty có trụ sở tại Budapest, Hungary tên là BAC Consulting mới là đơn vị sản xuất và bán loại máy nhắn tin này. Trong khi đó, Bộ Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định họ không có hồ sơ nào về việc xuất khẩu trực tiếp máy nhắn tin Gold Apollo sang Lebanon.
Rất nhiều nghi vấn xung quanh BAC Consulting
BBC Verify đã tìm hiểu một công ty có tên BAC Consulting được cho là liên quan tới việc sản xuất các máy nhắn tin nói trên - bất chấp việc thiết bị này mang tên các nhà sản xuất khác nhau. BBC Verify đã truy cập vào hồ sơ công ty của BAC và thấy rằng công ty được cấp phép hoạt động lần đầu vào năm 2022 và chỉ có một cổ đông. Công ty này đăng ký địa chỉ kinh doanh tại một tòa nhà ở quận 14, thành phố Budapest. Ngoài BAC, còn có 13 công ty và một cá nhân khác đăng ký địa chỉ kinh doanh tại cùng tòa nhà.
Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm cơ sở dữ liệu thông tin tài chính cho thấy BAC không có bất cứ liên quan nào với các công ty hoặc cá nhân khác. Cơ sở dữ liệu tương tự không hiển thị thông tin giao dịch nào về BAC. Ví dụ, không có hồ sơ của bất cứ lô hàng nào giữa công ty này và các công ty khác.
Website của BAC, hiện không thể truy cập, trước đó cho hay công ty đã mở rộng quy mô kinh doanh ở châu Á và có mục tiêu "phát triển hợp tác công nghệ quốc tế giữa các nước để bán các sản phẩm viễn thông".
Theo các hồ sơ, BAC có doanh thu ròng 256.996.000 forint (gần 18 tỷ đồng) năm 2022 và 210.307.000 forint (gần 15 tỷ đồng) vào năm 2023.
Một tờ rơi của công ty này, đăng trên mạng xã hội LinkedIn, liệt kê tám tổ chức mà BAC đã hợp tác - bao gồm Ủy ban châu Âu và Cơ quan Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DfID). BBC Verify đã tiếp cận với tất cả các tổ chức có tên trong danh sách này để đề nghị bình luận về sự việc.
Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh - đảm nhiệm các nhiệm vụ trước đây thuộc về DfID - cho hay họ đang trong quá trình điều tra. Nhưng dựa trên các cuộc trò chuyện ban đầu, cơ quan này nói rằng họ không có bất cứ liên quan nào với BAC, dù công ty này đã khẳng định như vậy.
Website của BAC liệt kê một cá nhân là giám đốc điều hành và người sáng lập – bà Cristiana Bársony Arcidiacono - và hầu như không đề cập đến các nhân viên khác. BBC Verify đã tìm hiểu được rằng bà này tốt nghiệp ngành vật lý tại Đại học Catania, Italy vào năm 2001. Theo hồ sơ trên LinkedIn, bà có bằng tiến sĩ từ hai trường đại học của Anh. BBC Verify đã cố gắng liên hệ với bà vài lần nhưng không được phản hồi. Trong khi đó, NBC đưa tin rằng họ đã trò chuyện với bà Bársony Arcidiacono, người khẳng định rằng công ty của bà hợp tác với Gold Apollo. Tuy nhiên, khi được hỏi về các máy nhắn tin và các vụ nổ, bà nói: "Tôi không sản xuất các máy nhắn tin này. Tôi chỉ là trung gian. Tôi nghĩ rằng quý vị đã hiểu nhầm”.
Sau đó, Người phát ngôn Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs đã lên tiếng khẳng công ty có liên quan đến dòng máy nhắn tin này “không có cơ sở sản xuất” tại Hungary và các thiết bị liên quan cũng chưa từng xuất hiện ở quốc gia này. Trên mạng xã hội X, ông Kovacs viết: “Các nhà chức trách đã xác nhận rằng công ty được nhắc đến như một bên trung gian giao dịch không có cơ sở sản xuất hay hoạt động nào tại Hungary. Các thiết bị được nhắc đến cũng chưa bao giờ có mặt tại Hungary”.