Nghị quyết mang tên "Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về hậu quả pháp lý từ các chính sách và hoạt động của Israel tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và tính bất hợp pháp của sự hiện diện liên tục của Israel tại đây", do Palestine soạn thảo, nhận được 124 phiếu thuận, trong khi 43 quốc gia bỏ phiếu trắng và Israel, Hoa Kỳ và 12 quốc gia khác bỏ phiếu chống.
Việc Đại hội đồng LHQ khóa 79 thông qua nghị quyết trên là một thắng lợi chính trị đối với Palestine trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tề tựu về trụ sở LHQ ở New York trong tuần tới để tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao LHQ. Dự kiến, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên vào ngày 26.9, cùng ngày với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Nghị quyết hoan nghênh ý kiến tư vấn hồi tháng 7 của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) cho rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của người Palestine là bất hợp pháp và Israel cần phải chấm dứt hoạt động này “càng nhanh càng tốt”, mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng áp đặt thời hạn là 12 tháng.
Nghị quyết của Đại hội đồng cũng kêu gọi các quốc gia "thực hiện các bước nhằm ngừng nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ các khu định cư của Israel, cũng như cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và thiết bị liên quan cho Israel... khi có lý do chính đáng để nghi ngờ rằng chúng có thể được sử dụng ở Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".
Nghị quyết này là nghị quyết đầu tiên được Chính quyền Palestine chính thức đưa ra kể từ khi họ giành được thêm nhiều quyền và đặc quyền trong tháng này, bao gồm một ghế thành viên tại các cuộc họp của Đại hội đồng và có quyền đề xuất các dự thảo nghị quyết.
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã kêu gọi các nước bỏ phiếu chống một ngày trước đó. Washington - một nhà cung cấp vũ khí cho và đồng minh của Israel - từ lâu đã phản đối các biện pháp đơn phương làm suy yếu triển vọng của giải pháp hai nhà nước.
Ý kiến tư vấn của ICJ không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị theo luật pháp quốc tế và có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Israel. Nghị quyết của Đại hội đồng cũng không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị về mặt chính trị.
"Mỗi quốc gia đều có một lá phiếu, và thế giới đang dõi theo chúng ta", Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour phát biểu trước Đại hội đồng. "Xin hãy đứng về phía đúng đắn của lịch sử. Với luật pháp quốc tế. Với tự do. Với hòa bình”, ông nói trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.
Về phần mình, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon đã chỉ trích Đại hội đồng vì đã không lên án cuộc tấn công vào Israel ngày 7.10 của các chiến binh Hamas người Palestine, châm ngòi cho cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát. Ông bác bỏ văn bản của Palestine và nghị quyết này là chủ nghĩa khủng bố ngoại giao.
Trong khi đó, New Zealand, một trong những nước bỏ phiếu thuận, cho biết, lá phiếu của nước này về cơ bản là tín hiệu cho thấy họ ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế và sự cần thiết phải có giải pháp hai nhà nước. Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters nhấn mạnh: “Xung đột Israel-Palestine đã diễn ra quá lâu và nỗi đau mà nó gây ra cho cả hai bên là vô cùng lớn. Chúng tôi luôn nói rằng giải pháp hai nhà nước là giải pháp bền vững và công bằng duy nhất cho người Israel và người Palestine”.
Israel đã chiếm đóng Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - những khu vực lịch sử của Palestine mà người Palestine muốn thành lập một nhà nước - trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và kể từ đó đã liên tục xây dựng và mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực này.
Chính quyền Palestine, do Tổng thống Abbas đứng đầu, đại diện cho người dân Palestine tại LHQ. Ngày 10.9 vừa qua, phái đoàn Palestine đã có được một ghế tại Đại hội đồng. Đây là một quyền lợi mới của Palestine, cho dù họ hiện chưa phải là thành viên chính thức của cơ quan này.
Đại hội đồng LHQ là một trong sáu cơ quan chính của LHQ và là cơ quan duy nhất có đại diện của tất cả 193 nước thành viên. Đại hội đồng LHQ có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan LHQ, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.