Hãng thông tấn nhà nước Indonesia Antara đưa tin, Tuyên bố nhắc lại sự cần thiết phải thúc đẩy phản ứng gắn kết và ngay lập tức của ASEAN trong việc giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai phát sinh từ việc lạm dụng công nghệ và tận dụng tối đa các công nghệ mới và đang phát triển để tăng cường nỗ lực này.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp phòng, chống tội ác thông qua các cơ chế khu vực và sáng kiến của ASEAN; sử dụng các công cụ công nghệ; chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và bài học kinh nghiệm; trao đổi thông tin; tiến hành diễn tập, tác chiến phối hợp; cũng như các cuộc điều tra chung liên quan đến TIP.
Theo tuyên bố, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường các nỗ lực khu vực để xác định nạn nhân bị buôn bán hoặc nạn nhân tiềm năng; thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các văn kiện hiện có của ASEAN liên quan đến TIP, chẳng hạn như ACTIP, để duy trì tính phù hợp và khả năng thích ứng của chúng trong bối cảnh các thách thức đang nổi lên và trong tương lai; và khuyến khích thiết lập tiêu chuẩn bảo vệ tối thiểu ở cấp khu vực cho nạn nhân của TIP.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý biên giới, phòng ngừa, điều tra, thực thi pháp luật, truy tố, bảo vệ, hồi hương và hỗ trợ như phục hồi và tái hòa nhập cho các nạn nhân; và cải thiện các nỗ lực phòng ngừa quốc gia, bao gồm tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và hệ thống thanh tra lao động, tăng cường kiểm soát xuyên biên giới và quản lý di cư, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ tiên tiến.
Họ đồng ý cung cấp phản hồi và hỗ trợ ngay lập tức cho các nạn nhân của TIP, bao gồm cải thiện các kênh phối hợp và liên lạc để trao đổi thông tin, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ pháp lý, khắc phục và khiếu nại, đồng thời cộng tác với các mạng lưới thực thi pháp luật trong khu vực. Ngoài ra, các nước ASEAN sẽ tăng cường tương trợ tư pháp trong các vụ việc TIP, bao gồm cả những vụ việc do lạm dụng công nghệ gây ra, thông qua việc thực hiện hiệu quả Hiệp ước ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (AMLAT).
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Mahfud MD bày tỏ tin tưởng, việc các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung sẽ mang lại cách tiếp cận toàn diện để khắc phục nạn buôn người, từ giai đoạn phòng ngừa đến bảo vệ nạn nhân. “Tuyên bố cũng sẽ tăng cường sự hợp tác của chúng ta để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ”, ông khẳng định.
Theo Bộ trưởng, tinh thần của ASEAN trong nỗ lực giảm thiểu nạn buôn người cũng cần được ủng hộ thông qua các thúc đẩy đàm phán Hiệp định dẫn độ ASEAN. Ông lưu ý rằng thỏa thuận này rất cần thiết và đã được đàm phán trong một thời gian khá dài.
“Thỏa thuận sẽ ngăn khu vực của chúng ta trở thành nơi ẩn náu của tội phạm cũng như củng cố vị thế của ASEAN như một xã hội dựa trên luật pháp”, ông Mahfud nhận xét.
Trước đó, ông cũng nhấn mạnh lời mời của chính phủ Indonesia đối với cộng đồng ASEAN để có khả năng giải quyết các thách thức của nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia tiềm tàng trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng ASEAN cần đặc biệt chú ý đến tội phạm xuyên quốc gia, dù là dưới hình thức khủng bố, ma túy, rửa tiền hay buôn người. “Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo rằng ASEAN có đủ năng lực để đối phó với những thách thức này một cách hiệu quả”, ông nói.