Xử lý triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng
Thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài, dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cụ thể như quy định 2 hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (lĩnh vực thuế); quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự...
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Mặt khác, trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án Cải cách chính sách BHXH, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách tiền lương, BHXH và người có công đã nhận thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng/con (bằng mức ngân sách đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước bảo đảm, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.
Nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ BHXH
Thực trạng đầu tư quỹ BHXH thời gian qua cho thấy, vẫn còn không ít tồn tại như tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần, do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 8 - 9%/năm còn khoảng 2,8 - 2,5%/năm vào năm 2021. Do đó, việc đa dạng hóa sang các "tài sản" đầu tư khác là cần thiết.
Trong bối cảnh hội nhập và đổi mới mô hình tăng trưởng, quá trình già hóa dân số, nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội ngày càng cao; việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng năm, đòi hỏi quỹ BHXH phải được bảo đảm an toàn, bền vững, có thể thu hồi khi cần thiết, hiệu quả trong dài hạn, đáp ứng trách nhiệm chi trả chế độ trong hiện tại và tương lai. Các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật hiện nay an toàn nhưng hiệu quả chưa cao, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư...
Vì vậy, để bảo đảm hoạt động đầu tư an toàn, bền vững, hiệu quả theo chủ trương tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, đòi hỏi quy định đa dạng hơn về danh mục đầu tư, phương thức đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư và giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình đa dạng hóa các loại tài sản đầu tư và cơ cấu đầu tư phù hợp với mục tiêu, năng lực đầu tư của cơ quan BHXH.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung mục về đầu tư quỹ BHXH, trong đó quy định về các nguyên tắc đầu tư; danh mục đầu tư (thị trường trong nước và quốc tế) và phương thức đầu tư (tự đầu tư hoặc ủy thác đầu tư); quản lý hoạt động đầu tư. Việc quy định cụ thể lộ trình đa dạng hóa các loại tài sản đầu tư và cơ cấu đầu tư cần sự linh hoạt trong điều kiện từng thời kỳ, phù hợp với mục tiêu và năng lực đầu tư của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, khoản 4 Điều 120 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư từ quỹ BHXH, bảo đảm các nguyên tắc đầu tư.
Quy định sửa đổi như trên kết hợp với đổi mới bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò giám sát thực chất của Hội đồng Quản lý BHXH được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ BHXH trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự án Luật BHXH (sửa đổi) không phải là chìa khóa vạn năng có thể xử lý được tất cả các vấn đề mà cần được nhìn nhận trong tổng thể hệ thống pháp luật và sự phát triển kinh tế, thị trường lao động.