Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ ngộ độc dẫn đến một người phụ nữ tử vong, nghi do ăn tiết canh lợn có nguồn gốc từ một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã Thụy Dân.
Qua xác minh ban đầu, ngày 8.10, sau khi mua tiết lợn của một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã để đánh tiết canh ăn trưa, đến chiều cùng ngày 4 người cùng ăn tại một gia đình có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Đến sáng ngày 9.10, có 3 người phải nhập viện điều trị, một trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà.
Trong 3 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trường hợp người phụ nữ đã tử vong với chẩn đoán ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn, 2 trường hợp còn lại đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, cùng sử dụng nguồn tiết lợn tại cơ sở giết mổ còn có 5 người khác. Cụ thể, có 1 người phải nhập viện do rối loạn tiêu hóa, các trường hợp còn lại không có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh và đang chờ kết quả.
Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy đã chỉ đạo Trạm Y tế xã Thụy Dân tham mưu địa phương tiến hành phun khử khuẩn khu vực giết mổ lợn và nhà bệnh nhân, yêu cầu các cơ sở giết mổ không bán tiết sống để làm tiết canh, các quán ăn trên địa bàn không bán tiết canh và các món ăn từ thịt tái, sống.
Ngoài ra, Trạm Y tế xã cử người giám sát tình hình ca bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chủ động đến cơ sở y tế khai báo tình hình sức khỏe nếu đã sử dụng nguồn thực phẩm trên.
Trung tâm y tế huyện Thái Thụy cho biết, bệnh liên cầu lợn có thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày.
Người mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, nôn, đau mỏi khắp người, trên da có xuất huyết nhiều mảng mầu thâm đen.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: Sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não.
Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời người bệnh sẽ nặng hơn kèm các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…
Trung tâm y tế huyện Thái Thụy lưu ý, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn người dân cần: Chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 700C); Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Bên cạnh đó, những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn và dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Trung tâm y tế huyện Thái Thụy yêu cầu người dân, khi nhận thấy có dịch liên cầu khuẩn xảy ra phải:
- Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.
- Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn. Không giết mổ,vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách.
- Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.