Hai luật quan trọng đối với nông dân Ấn Độ
Luật Đất đai năm 2013 của Ấn Độ được coi là cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người nông dân đối với đất đai. Chẳng hạn, Luật quy định việc tạo ra một hệ thống minh bạch và công bằng cho quá trình chuyển nhượng đất. Thông tin về sở hữu và chuyển nhượng đất đai phải được công bố rộng rãi để ngăn chặn các giao dịch không minh bạch. Nếu đất đai bị giải tỏa, người nông dân có quyền nhận bồi thường và sửa chữa những thiệt hại gây ra do quá trình này. Luật chú trọng vào việc xác định và bảo vệ quyền sở hữu của người nông dân đối với đất đai, trong đó, định rõ rằng, đất đai được xác định là tài sản cụ thể và không thể bị tịch thu mà không có quy trình pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người nông dân bản địa, luật cung cấp các biện pháp đặc biệt để thực hiện quyền sở hữu của họ đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, để duy trì tính bền vững, văn bản pháp lý này đặt ra các nguyên tắc quản lý tài nguyên đất, khuyến khích sự sáng tạo trong sử dụng đất, đồng thời bảo vệ môi trường.
Bên cạnh Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ quyền lợi của nông dân đối với giống cây và quyền lợi bảo vệ thực vật (PPVFR) cũng đã được ban hành ngay từ năm 2001 để bảo vệ quyền lợi của người làm nông, đồng thời khuyến khích sự phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực giống cây hay tài nguyên genet học (Genet học là lĩnh vực nghiên cứu về cách di truyền và sự thay đổi gene ảnh hưởng đến các tính trạng của cá thể và loài). Đơn cử như, luật nhấn mạnh quyền của nông dân đối với giống cây mà họ đã có truyền thống sử dụng và duy trì. Họ có quyền sở hữu giống cây mà bản thân đã tạo ra hoặc duy trì. Nếu giống cây này được sử dụng để phát triển giống mới, họ cũng có quyền chia sẻ lợi nhuận từ việc sử dụng đó. Luật cũng khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực giống cây, đồng thời bảo vệ quyền lợi cả những người làm nghiên cứu và phát triển giống cây mới. Cùng với đó, còn đặt ra các biện pháp để bảo vệ tài nguyên genet của quốc gia, cung cấp hệ thống đăng ký giống cây để theo dõi và quản lý…
Nói chung cả hai luật trên đều thể hiện cam kết của Ấn Độ trong việc bảo vệ và khuyến khích phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như bảo vệ nông dân.
Nhiều chính sách hỗ trợ đa dạng khác
Trước hết, có thể kể đến chính sách hỗ trợ tài chính Pradhan Mantri Krishi Sinchayee Yojana (PMKSY) được đưa ra trong giai đoạn 2015 - 2016 để tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính phát triển hệ thống tưới tiêu hiệu quả, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, nó giúp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nước tại nông trại và mở rộng diện tích canh tác với hệ thống tưới tiêu bảo đảm, cải thiện hiệu quả sử dụng nước tại nông trại, giới thiệu các biện pháp bảo tồn nước bền vững…
Ngoài ra, ngay từ năm 1998, Chương trình Thẻ tín dụng Kisan đã được Chính phủ giới thiệu, theo đó nông dân được cung cấp thẻ tín dụng ngắn hạn, giúp họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để mua sắm máy móc, giống cây và nhiều nguyên liệu khác… Chương trình giúp nông dân tránh được các mức lãi suất cắt cổ do những người cho vay từ khu vực cho vay phi tổ chức tính. Chẳng hạn, họ có thể tận dụng lãi suất thấp tới 2% mỗi năm, hơn nữa thời gian trả nợ dựa trên thời gian thu hoạch hoặc tiếp thị của cây trồng mà số tiền vay đã được sử dụng, điều này càng mang lại lợi ích cho nông dân hơn.
Trong giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ Ấn Độ giới thiệu Chương trình Sứ mệnh quốc gia về nông nghiệp bền vững. Sứ mệnh nhằm thúc đẩy hệ thống canh tác tổng hợp và cung cấp các hoạt động phát triển có giá trị gia tăng cho nông dân cải thiện tình trạng kinh tế của họ, cho dù mất mùa do không đủ mưa hoặc hạn hán. Chương trình tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giáo dục cho nông dân để thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững, tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu...
Một loạt chương trình khác cũng có thể kể đến như Chương trình Paramparagat Krishi Vikas Yojana (PKVY), trong đó tập trung vào việc thúc đẩy canh tác hữu cơ và phương pháp truyền thống, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính và giáo dục; Chương trình can thiệp thị trường (MIS) được thiết kế để bảo vệ lợi ích của nông dân và nhà sản xuất nông nghiệp đối với các mặt hàng dễ hư hỏng không thuộc chương trình hỗ trợ giá tối thiểu. Bên cạnh đó, còn giúp bảo vệ nông dân một số mặt hàng nông sản nhất định trước những khó khăn do biến động giá cả bất ngờ. Những tổn thất phát sinh được chia đều giữa chính quyền trung ương và các bang…; Đặc biệt, Chính phủ còn xác định giá tối thiểu cho một số loại nông sản để bảo đảm thu nhập công bằng cho nông dân, bảo vệ họ khỏi biến động thị trường…