Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII

- Thứ Tư, 24/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình một số nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ và trả lời chất vấn của ĐBQH * Thông qua 4 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết

Sáng 24.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH đã tiến hành Phiên chất vấn cuối cùng của Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII. Phiên chất vấn được truyền trực tiếp đến cử tri, nhân dân cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ trong năm 2010 và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: những việc làm sai trái của lãnh đạo Vinashin đã gây hậu quả nghiêm trọng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin. Việc thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin còn rất khó khăn, nên Chính phủ mong được các ĐBQH chia sẻ, ủng hộ và giám sát.

Về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2011, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động và nỗ lực thực hiện các Nghị quyết của QH. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển ngành, vùng, lĩnh vực theo yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 để trình QH thông qua gắn với việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của ĐBQH về một số tồn tại trong việc kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả. Thủ tướng cho rằng, tình hình giá cả tăng cao trong những tháng gần đây trước hết do biến động giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Đồng thời, kinh tế trong nước phục hồi và tăng trưởng khá mạnh; thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng, dịch vụ và thiên tai, lũ lụt đã làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ cung cầu và tạo áp lực tăng giá. Tình hình giá cả đang có những diễn biến phức tạp trong thời gian cuối năm, nên Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Về lâu dài phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giảm mạnh nhập siêu; tạo cơ sở vững chắc để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trả lời chất vấn của ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam) về việc phân bổ vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân còn nhỏ giọt, khiến một số dự án, chương trình kéo dài, chưa có sức lan tỏa rộng, Thủ tướng cho biết: có hiện tượng này, nhưng năng lực tài chính của nước ta còn hạn chế, nên khó có thể cấp vốn đầy đủ  mọi chương trình, dự án. Chính phủ sẽ cố gắng phân bổ ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Với các dự án được ĐBQH đưa ra, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ làm hết sức để có nguồn lực huy động nhiều nhất cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện các chương trình đã thông qua.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về phát triển công nghiệp phụ trợ, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ rất chú ý xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên hiện nay Bộ Công thương - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo - chưa hoàn thành Nghị định về phát triển công nghiệp phụ trợ. Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định này, tạo hành lang pháp lý thống nhất, cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá: các nội dung chất vấn lần này đã tiếp tục đề cập những vấn đề bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vừa cụ thể vừa bao quát mang tầm quốc gia và có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực. Qua chất vấn, nhiều ĐBQH đã tiếp tục làm rõ thêm nhiều vấn đề, nhất là vấn đề lớn, nổi cộm, bức xúc hiện nay. ĐBQH cũng phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp và có yêu cầu trách nhiệm cụ thể. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: các ĐBQH cần theo dõi, giám sát việc thực hiện các giải pháp được Thủ tướng và các Bộ trưởng đưa ra. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Đoàn ĐBQH tăng cường hoạt động giám sát những vấn đề thuộc nội dung chất vấn của Kỳ họp này, cũng như việc thực hiện Nghị quyết về kinh tế - xã hội của QH. Đó là sự nối tiếp, phát huy những kết quả chất vấn tại hội trường. Chất vấn ở hội trường chỉ là bước đầu, quan trọng là thực tiễn có chuyển biến, chuyển động thế nào.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã xem xét và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ: tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh sửa lại quy định của Điều 10 theo hướng quy định rõ nguyên tắc trong hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu. Theo đó, doanh nghiệp được hợp tác trong việc tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, giám định tổn thất... Doanh nghiệp được cạnh tranh về điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm bảo hiểm. Việc đấu thầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nhưng cũng phải tuân thủ các quy định của Luật này về sản phẩm, bảo hiểm, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm, năng lực tài chính. UBTVQH tán thành việc trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; đồng thời, bổ sung quy định nguyên tắc về mục đích thành lập, nguồn trích lập và giao Chính phủ quy định hướng dẫn cụ thể việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ.

Với 83,98% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày, việc xác định địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như thế nào là một vấn đề lớn, chi phối nhiều nội dung khác trong Luật, trong khi, cần có thêm thời gian để tổng kết đánh giá một cách đầy đủ. Hơn nữa, Luật hiện hành đã trao nhiều quyền hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. UBTVQH đề nghị chưa xem xét điều chỉnh, sửa đổi địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán trong lần sửa đổi, bổ sung này. Về điều kiện thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, UBTVQH cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, trước mắt, để tránh gây tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, các doanh nghiệp chứng khoán đang hoạt động, thì chưa bổ sung điều kiện thành lập, hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Với 82,56% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Luật này quy định về hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

 Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Nghị quyết về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. UBTVQH cho rằng, nông nghiệp hiện là lĩnh vực chậm phát triển, đời sống nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn nên cần thiết áp dụng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông  nghiệp. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị không miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp với mọi loại đất và đối với diện tích vượt trên hạn mức giao đất. Đối với tình trạng sử dụng không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí đất nông nghiệp tại một số địa phương, UBTVQH nhấn mạnh: các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện việc thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật đối với diện tích này, bảo đảm đất đai được sử dụng hiệu quả.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã xem xét và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, dự án Luật Tố tụng hành chính.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày, các quy định trong Luật hiện hành về thời hạn thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, thời hạn ấn định và công bố ngày bầu cử đều theo hướng quy định thời hạn tối thiểu, không phải là thời hạn tối đa. Do vậy, UBTVQH có thể ấn định và công bố ngày bầu cử sớm hơn mốc 105 ngày, nên không cần sửa đổi quy định này. UBTVQH cho rằng, cần sớm sửa đổi cơ bản, toàn diện hai Luật về bầu cử trong thời gian tới, để có thể hợp nhất hai Luật thành Luật Bầu cử đại biểu dân cử. UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn thư ký Kỳ họp tập hợp, tổng hợp các ý kiến của ĐBQH, chuyển đến cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu khi tiến hành sửa đổi cơ bản, toàn diện các luật về bầu cử, cũng như các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Với 83,77% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Luật này gồm 4 điều, quy định về đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu ĐBQH và đại biểu HĐND; thành lập Ủy ban bầu cử... giúp tiến hành thuận lợi việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một thời gian.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố tụng hành chính, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nêu rõ: việc quy định kiểm soát viên chỉ nên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong phiên sơ thẩm sẽ vừa bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên đương sự. Do đa số ĐBQH tán thành cần có cơ chế đặc biệt để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chủ thể có quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị Hội đồng xem xét lại quyết định gồm: UBTVQH, Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Với 84,18% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua dự án Luật Tố tụng hành chính. Luật gồm 18 chương, 265 điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Với 84,33% số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính.

Phương Thủy