Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII

- Thứ Hai, 22/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường * Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Các nhà máy điện chậm tiến độ do khó khăn trong thu xếp vốn * Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Bộ Y tế đã có giải pháp nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên

Ngày 22.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước.

Mở đầu phiên họp, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII. Báo cáo kết quả giám sát nhấn mạnh: QH, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn xác định kiến nghị của cử tri là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, xem xét, điều chỉnh các quy định của pháp luật nhằm góp phần bảo đảm cho hoạt động quản lý, điều hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do vậy, trong thời gian qua, việc tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết và trả lời của các cơ quan này ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các Bộ khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ Bảy. Tuy nhiên, một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền còn lúng túng do việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số luật, pháp lệnh còn nhiều bất cập. Ban Dân nguyện đề nghị: Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các bộ ngành hữu quan kịp thời rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, Luật Bảo hiểm y tế, Pháp lệnh giá; có kế hoạch, tiến độ cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với luật, pháp lệnh hiện nay.

Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Chất vấn của các ĐBQH dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tập trung vào các nhóm vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; điều hành xuất nhập khẩu; tính an toàn của việc khai thác và chế biến bauxit tại Tây Nguyên...

Về vấn đề thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu vấn đề: tình trạng này có nguyên nhân sâu xa liên quan đến quy hoạch phát triển ngành điện và kế hoạch đầu tư không hợp lý. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, một nguyên nhân gây thiếu điện trong thời gian vừa qua là do tiến độ xây dựng các nhà máy điện chậm. Xin hỏi Bộ trưởng việc chậm tiến độ thực hiện một số nhà máy nhiệt điện có do năng lực nhà thầu yếu hay không? Việc kéo dài thời gian thực hiện Tổng sơ đồ điện lực 6 có do lợi ích nhóm hay không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: việc thực hiện Tổng sơ đồ điện lực 6 còn có một số thiếu sót và hạn chế lớn nhất là đã không thực hiện đúng mục tiêu được đưa ra. Các nhà máy điện chậm tiến độ chủ yếu do khó khăn trong thu xếp vốn thực hiện, đặc biệt là giai đoạn đầu thực hiện Tổng sơ đồ điện lực 6 trùng với giai đoạn kinh tế thế giới bị suy thoái. Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện tuy đã đi vào hoạt động, nhưng chưa ổn định, thời gian chạy thử nghiệm kéo dài.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) nêu câu hỏi: Vì sao có tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, đặc biệt một số văn bản trái luật? Hơn nữa, việc ban hành sai quy trình và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ tại Quyết định 30/2006 của Bộ Công nghiệp dẫn đến phát triển thủy điện nhỏ tràn lan tại miền Trung, gây ra nhiều hậu quả về môi trường. Ai là người chịu trách nhiệm về những hậu quả này? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ: việc ban hành quyết định trái với Luật là do một số quy định của Luật Điện lực không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Song, sửa đổi văn bản luật đòi hỏi nhiều thời gian, còn thực tiễn cuộc sống thì không chờ đợi. Đối với vấn đề thực hiện quy hoạch thủy điện nhỏ, Bộ trưởng khẳng định, sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan và địa phương để thực hiện tốt công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện nhỏ, bảo đảm các công trình nằm trong quy hoạch sẽ có hiệu quả thực chất, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân.

Về vấn đề nhập siêu, nhiều ĐBQH băn khoăn, các giải pháp nhằm giảm nhập siêu đã được Chính phủ đưa ra từ đầu năm, nhưng nhập siêu vẫn tiếp tục tăng, gây mất cân bằng cán cân thương mại, cán cân thanh toán, ảnh hưởng về phát triển kinh tế trong nước lâu dài. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ: trong 3 năm qua dù nhập siêu đã giảm về con số tuyệt đối và tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu, nhưng nhập siêu còn cao, sẽ có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nước ta vẫn trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, trong khi đó, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên phải nhập khẩu nhiều máy móc, công nghệ, nguyên phụ liệu; giá các nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Do vậy, việc giảm nhập siêu không thể tiến hành nhanh, để nhường cho phát triển sản xuất, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch (Hồ Chí Minh) cho rằng, từ Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII, ĐBQH đã nêu vấn đề nền kinh tế nước ta hiện là gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nên mức nhập siêu cao. Bộ trưởng cũng đồng tình và hứa sẽ cố gắng đề xuất chính sách, biện pháp từng bước giảm gia công, tăng giá trị gia tăng, tạo cơ sở để giảm nhập siêu. ĐB Trần Du Lịch nêu câu hỏi: sau 3 năm, Bộ Công thương, với tính chất là cơ quan quản lý suốt từ sản xuất đến lưu thông, đã đề xuất các chính sách, biện pháp giảm nhập siêu nào? Việc nhập siêu dồn vào một nước như hiện nay có tạo rủi ro về vĩ mô hay không? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong 3 năm qua đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định, chính sách để tăng cao tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu. Để giảm nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác những thị trường truyền thống. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, cần có giải pháp giảm nhập siêu căn cơ, không thể dựa vào mở rộng tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước hay thị trường xuất khẩu. Giải pháp quan trọng nhất là cần có cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ căn bản là nhựa, plastic, cao su và hóa chất; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất các sản phẩm này.

Nội dung chất vấn của các ĐBQH dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tập trung vào các nhóm vấn đề: giảm tải các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tỉnh; quản lý giá thuốc, bảo hiểm y tế...

Trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh là: dân số tăng nhanh; nhóm người dân sử dụng các thẻ khám chữa bệnh miễn phí tăng; điều kiện kinh tế nâng cao nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng, đường xá được nâng cấp thuận tiện cho việc tiếp cận với các dịch vụ y tế; chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới kém hơn so với tuyến trên nên nhân dân thiếu tin tưởng; mô hình bệnh tật thay đổi, hiện chủ yếu là những bệnh đòi hỏi chữa trị tốn kém, mất thời gian...

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi, ngoài những nguyên nhân trên còn nguyên nhân nào khác? Vì thực tế, vẫn đang rất thiếu nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, các bác sỹ có bằng cấp thạc sỹ, tiến sỹ làm việc ở miền núi, nông thôn. Trong khi một số bác sỹ đang làm việc tại các bệnh viện địa phương lại muốn chuyển công tác lên Trung ương. Bộ Y tế có giải pháp gì, cơ chế gì để giữ chân nguồn nhân lực này, giúp chia sẻ và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương? Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Bộ Y tế đã có những giải pháp nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên như: rút ngắn thời gian điều trị; giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị; chống quá tải từ xa bằng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới như giúp đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật... cho cán bộ tuyến dưới. Giải pháp này đã giúp giảm được 30% số bệnh nhân chuyển tuyến khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp điều trị ngoại trú, triển khai hệ thống bệnh viện vệ tinh, bệnh viện gia đình, khám chữa bệnh tại nhà nhằm giúp giảm tải các bệnh viện Trung ương. Song, giải pháp chính và chủ yếu là xây thêm bệnh viện và đào tạo, tăng cường đội ngũ cán bộ y tế. Về chính sách giữ chân nguồn nhân lực làm việc tại các bệnh viện địa phương, tuyến dưới, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho hay, Bộ đã đề xuất Chính phủ có chính sách tăng cử tuyển, các địa phương đề cử cán bộ để các trường nhận đào tạo, bồi dưỡng và trả về địa phương công tác; tất nhiên phải kèm theo các điều kiện ràng buộc. Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng hoạch định những chính sách ưu tiên cho cán bộ y tế theo 3 tiêu chí: vùng miền; ngành nghề; tính chất căng thẳng, độc hại và nguy hiểm...

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) hỏi: nhiều khung chế độ chính sách dành cho cán bộ ngành y tế còn bất hợp lý và bất hợp tình: mức bồi dưỡng cho cán bộ tuyến Trung ương là 45.000đ; tuyến tỉnh là 35.000đ; tuyến huyện chỉ còn 25.000; trong khi đó chế độ bồi dưỡng này được áp dụng cào bằng đối với mọi đối tượng cán bộ: từ hộ lý, y tá đến bác sỹ... Bộ trưởng có ý kiến gì nhằm cải thiện chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng hơn đối với cán bộ, viên chức trong ngành y tế? Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu giải đáp, thời gian qua, Bộ đã cố gắng cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên ngành y tế: nâng mức lương cơ bản, tăng tiền phụ cấp cùng một số chính sách khác. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, cũng cần phải có cái nhìn tương quan về chế độ đãi ngộ giữa các ngành, giữa cán bộ y tế với các chiến sỹ ngoài biên cương, hải đảo hay những người thợ làm việc dưới hầm lò... Bộ trưởng còn muốn nhắn nhủ tới các cán bộ y tế rằng, mặt bằng chung đất nước ta còn nghèo nên việc tăng lương và cải thiện đời sống cho cán bộ y tế cũng mới được thực hiện từng bước. Để trả lời rõ hơn về vấn đề giải quyết tình trạng thiếu cán bộ y tế cũng như giải đáp trăn trở của các ĐBQH về chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ sẽ xem xét đề xuất nâng độ tuổi về hưu nhằm tận dụng nguồn bác sỹ, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Về chính sách tiền lương, hàng năm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có điều chỉnh chung theo lộ trình của Ban chỉ đạo cải cách, căn cứ tình hình xã hội – kinh tế thích hợp với điều kiện của đất nước. Bộ sẽ có trách nhiệm tích cực tham gia cùng với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để điều chỉnh và trình Chính phủ sửa những điều bất hợp lý cho hợp lý hơn trong vấn đề người lao động làm ở lĩnh vực này.

Về vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh phúc) cho rằng, tình trạng giá các loại tân dược của nhiều hãng dược trong nước, liên doanh cũng như tân dược được nhập khẩu tăng gây nhiều bức xúc trong cử tri, vậy trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu? Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã tập trung nhiều công sức trong việc kiểm soát giá thuốc. Những trường hợp giá thuốc tăng đột biến là thuộc nhóm các mặt hàng dược phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc không đủ khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu, các dược phẩm mới được phát minh và điều chế... Giải pháp của Bộ là thành lập ủy ban giám sát nhóm mặt hàng dược phẩm này và có cơ chế riêng đối với nhóm này. Ngoài ra, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đề xuất, sửa đổi một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý giá thuốc và bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh như quy định về đấu thầu thuốc, ngăn chặn những tác nhân gây tăng giá thuốc, trong đó có tình trạng nhập thuốc lậu hay xách tay từ nước ngoài... Bộ cũng sẽ tiến hành tham khảo và xây dựng giá trần cho giá thuốc.

P. Thủy – T. Chi