Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính trong khám, chữa bệnh

- Thứ Sáu, 18/02/2022, 05:49 - Chia sẻ
Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh; quản lý, mua sắm thiết bị y tế từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội… Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, bảo đảm tính minh bạch, công khai cũng như tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế thực hiện.

Bảo đảm minh bạch, công khai về cơ chế tài chính

So với hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Năm, hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước. Trong đó, dự án Luật đã thu gọn từ 15 chính sách thành 10 nhóm chính sách lớn, phù hợp hơn với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan
Ảnh: Lâm Hiển

Thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Xã hội đều nhận thấy, cơ quan đề xuất xây dựng dự án Luật đã nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách cơ bản cần sửa đổi hoặc ban hành mới; đã chú trọng tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của các chính sách với 146 trang tài liệu. Về cơ bản, các chính sách được đề xuất đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá kỹ thêm các đề xuất chính sách này để bảo đảm sự thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là các quy định liên quan đến hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, như: tự chủ tài chính, xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, so với hồ sơ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước, hồ sơ lần này đã hoàn thiện hơn khá nhiều, tuy nhiên còn một số nội dung cần phải làm cho rõ trong quá trình soạn thảo cũng như thẩm tra. Đơn cử, trong báo cáo đánh giá tác động, cần đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó có nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực khám chữa bệnh; nguồn lực tài chính, ngân sách để mua sắm trang thiết bị cho công tác khám chữa bệnh…

Đề cập cụ thể đến Điều 85 dự thảo Luật quy định ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định này theo hướng: việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để bảo đảm mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này phải bảo đảm được tính minh bạch, công khai cũng như tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế thực hiện.

Quy định nguyên tắc chung để xác định chi phí khám, chữa bệnh phù hợp 

Dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, có tác động lớn đến quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo hiểm Y tế và liên quan tới cả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tham gia thẩm tra thống nhất quan điểm: thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá và dịch vụ khám chữa bệnh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và mức giá theo quy định của Luật Giá, bao gồm cả giá dịch vụ xét nghiệm các máy do tư nhân đặt trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc áp dụng một mức giá khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc như đề xuất của Chính phủ có thể không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau. Hơn nữa, việc thay đổi từ quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước định khung giá và mức giá cụ thể (điểm c, khoản 3, Điều 19 của Luật Giá) sang quy định Nhà nước định mức giá cụ thể (điểm a, khoản 3, Điều 19 của Luật Giá) dẫn đến phải sửa đổi Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Xã hội cũng đề nghị, cần nghiên cứu, tổng kết đánh giá kỹ nội dung “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” để có cơ sở xem xét tiếp tục kế thừa trong dự thảo Luật.

Băn khoăn về cơ chế để quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có được tự quyết định không hay là ai quyết định việc này? Theo Điều 19 Luật Giá, Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế, quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước. Bây giờ, để đồng bộ với Luật Giá thì xử lý như thế nào? Ai là người ra quyết định đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân? Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp liên doanh, liên kết. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn hoặc mới chỉ tự chủ chi thường xuyên thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao không? Vấn đề này phải tính toán thêm.

Khoản 2, Điều 87 dự thảo Luật quy định Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc và khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm thống nhất về giá. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu, cho nên chi phí khám, chữa bệnh mỗi cấp sẽ khác nhau, chưa kể đến sự khác biệt về chi phí khám, chữa bệnh có thể theo vùng, miền. Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên chăng dự thảo Luật cũng cần quy định những nguyên tắc chung để xác định chi phí khám, chữa bệnh phù hợp cho từng trường hợp, trước khi giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế quy định. Theo đó, dự thảo Luật cần có những điều khoản khung phân biệt đối với các cấp bệnh viện, cấp cơ sở khám, chữa bệnh…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật vào chương trình lập pháp năm 2022. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan trình phải làm rõ các nội dung về giá dịch vụ khám, chữa bệnh đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan; các nguyên tắc và tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội... nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Nhật An