Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên:

Thẳng thắn, trách nhiệm thể hiện bản lĩnh "tư lệnh ngành"

- Thứ Năm, 17/03/2022, 06:51 - Chia sẻ
Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn một ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Đây cũng là Phiên chất vấn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến (tới 62 điểm cầu tại các Đoàn ĐBQH trên cả nước), một lần nữa cho thấy tinh thần chủ động, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19.

Cách thức là trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhưng như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn vẫn tạo được sự tương tác đối thoại trực tiếp giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Là “tư lệnh ngành” đầu tiên đăng đàn trả lời chính tại Phiên chất vấn sáng qua, phần “hỏi - đáp” giữa đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về những vấn đề đặt ra với lĩnh vực công thương thể hiện đúng tinh thần này.

Ảnh: Lâm Hiển

“Chúng tôi khẳng định là không có độc quyền nào ở đây!”

Bộ Công thương có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, bao gồm nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đất nước. Trong đó, có những vấn đề tương đối phức tạp, nhạy cảm, luôn được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ba nội dung (trong nhóm vấn đề thứ nhất) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn đưa ra chất vấn tại Phiên họp sáng qua là những vấn đề như vậy, đều rất cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, không ngoài dự đoán, ngay từ những chất vấn đầu tiên, nhiều câu hỏi “nóng” liên quan đến tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản... dồn dập được các đại biểu đặt ra, tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. 

Kể từ khi nhậm chức “tư lệnh ngành” công thương đến nay (hơn 10 tháng), đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn trước các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri cả nước. Lĩnh vực được giao quản lý rộng, đa ngành, trong đó nhiều lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, nhưng dù là vụ việc cụ thể, cấp bách, hay những vấn đề ở tầm vĩ mô, đòi hỏi giải pháp căn cơ mà các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều trả lời mạch lạc, thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện rõ bản lĩnh của “tư lệnh ngành”, nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực được giao quản lý. Trong một số vấn đề, Bộ trưởng cũng đưa ra cam kết, lời hứa cụ thể. 

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) về những giải pháp ngành đang áp dụng để có thể kiểm soát tối đa tình trạng độc quyền của các đầu mối lớn kinh doanh xăng dầu, tạo môi trường kinh doanh xăng dầu bình đẳng giữa các doanh nghiệp, Bộ trưởng trực diện: “Chúng tôi khẳng định là không có độc quyền nào ở đây!”. Bởi theo quy định của Nghị định 83 và 95 thì khi cấp phép cho doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu hay cấp phép cho doanh nghiệp có chức năng là thương nhân phân phối đều có những quy định cụ thể, “anh” có bao nhiêu cơ sở bán lẻ, “anh” thực hiện nhập vào sản lượng tối thiểu là bao nhiêu và hoạt động thế nào”… “Tôi xin hứa với các đại biểu là khi có kết quả thì vào thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ báo cáo lại và có thể sẽ báo cáo bằng văn bản để các đại biểu thấy rằng, thái độ và trách nhiệm của chúng tôi là rất cao, không có hiện tượng bao che, không có hiện tượng cho qua chuyện”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng cũng nêu rõ quan điểm: “Dù là doanh nghiệp nhập khẩu, hay là thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ thì đều là những mạch máu, chúng ta phải bảo vệ nhưng bảo vệ theo pháp luật, anh phải làm đúng pháp luật, còn nếu anh vi phạm thì dứt khoát là phải bị xử lý”.

Đối với tình trạng hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu hiện nay và câu chuyện “đến hẹn lại lên”, năm nào hàng nông sản cũng ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc và hoạt động "giải cứu" lại diễn ra, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương trong sự chậm trễ triển khai giải pháp căn cơ là xuất khẩu bằng con đường chính ngạch. “Bộ trưởng cho biết khi nào thì vấn đề được giải quyết?”.

“Trước mắt ùn ứ là phải giải tỏa đã. Tắc đâu thông đấy...”. Nêu rõ biện pháp xử lý trước mắt, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh giải pháp lâu dài: căn cơ trong tương lai dứt khoát phải xoay lại sản xuất theo tiêu chuẩn và tín hiệu của thị trường. “Các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công thương đã xây dựng đề án (Đề án thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới theo hình thức thương mại chính ngạch) và chiến lược (Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030) cũng được Bộ Công thương trình lên Chính phủ cách đây 2 ngày. Nếu như chiến lược được thông qua và đề án cũng được thông qua, thì còn một việc nữa là các bộ, ngành và các địa phương phối hợp với nhau để khuyến cáo, giúp đỡ, hỗ trợ đối với vùng trồng vật nuôi, đối với doanh nghiệp và người sản xuất làm theo tín hiệu thị trường thì chúng ta sẽ xuất được hàng hóa và không còn cảnh ùn ứ nữa”. Bộ trưởng nói.

Phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn

Một trong những điểm nhấn của Phiên chất vấn sáng qua là “đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ liên quan đến các chất vấn của đại biểu với việc dự trữ quốc gia về xăng dầu. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: theo Nghị định 83 trước đây và Nghị định 95 bây giờ, lúc nào các đầu mối xăng dầu kinh doanh cũng phải có dự trữ về lưu thông, ít nhất là 20 ngày. “Ở đây tôi hiểu đại biểu Quốc hội muốn Bộ làm rõ, khi chúng ta đi kiểm tra thì các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu này có dự trữ lưu thông đúng với quy định của pháp luật không, nhất là những đầu mối này vừa làm dự trữ lưu thông, lại vừa làm dự trữ quốc gia, mà làm dự trữ quốc gia thì còn được hưởng ngân sách nhà nước về chuyện bảo quản. Bây giờ các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Vì dự trữ quốc gia thì anh không thể nói 1 - 2 ngày mất nguồn cung là anh không có xăng bán được? Anh dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật thế nào? Bộ trưởng phải giải thích rõ hơn?”.

Thừa nhận cơ chế dự trữ xăng dầu quốc gia hiện nay rõ ràng là “bất hợp lý” (vì chưa có hệ thống kho riêng nên việc dự trữ này đang được giao cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối), và đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, “đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét thiết kế lại mô hình quản lý quỹ này, đồng thời cũng xem xét để có thể đề xuất nâng cao hơn nữa mức dự trữ như Chủ tịch nói là trong tình huống bất trắc phải được một vài tháng”. 

Xăng dầu, ùn ứ hàng nông sản… chỉ là hai trong số khá nhiều vấn đề “nóng” đại biểu đặt ra với “tư lệnh ngành” công thương. Thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm, không vòng vo là những điều có thể cảm nhận được trong lần đầu tiên “thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các chính sách được ban hành” của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, như thừa nhận của Bộ trưởng, thì “vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành công thương cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước”. Trong đó, có những vấn đề ở tầm vĩ mô mà chắc chắn một mình ngành công thương không thể giải quyết.

Một trong số những vấn đề đó, như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, đó là “Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cầu về giá và về xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào. Đấy là yêu cầu rất bức thiết đặt ra trong phiên chất vấn lần này. Phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn bằng kịch bản rất rõ ràng, vì cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu là một việc hết sức hệ trọng đối với quốc kế dân sinh, đối với sản xuất kinh doanh, quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội của chúng ta”.

Lam Giang